Bộ GTVT tổ chức báo cáo thực tiễn quy hoạch và phát triển GTVT Việt Nam cho lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa II

Ngày 31/10/2013
Thực hiện ý kiến của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tại Công văn số 9191 ngày 10/9/2013 về việc nghe báo cáo thực tiễn của lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp Khóa II, chiều 31/10, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ nhằm báo cáo vấn đề quy hoạch và phát triển GTVT Việt Nam.

Thực hiện ý kiến của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tại Công văn số 9191 ngày 10/9/2013 về việc nghe báo cáo thực tiễn của lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp Khóa II, chiều 31/10, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ nhằm báo cáo vấn đề quy hoạch và phát triển GTVT Việt Nam.

Dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan tham mưu của Bộ. Về phía Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh có PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Phó giám đốc Học viện; các đồng chí lãnh đạo Ban tổ chức lớp học cùng gần 80 học viên của lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp Khóa II.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày quy hoạch và phát triển GTVT Việt Nam

Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày quy hoạch và phát triển GTVT Việt Nam

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trình bày quy hoạch và phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến các học viện của lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa II.

Bộ trưởng cho biết, hệ thống đường bộ Việt Nam hiện có khoảng hơn 295 nghìn km. Trong đó có 96 tuyến quốc lộ dài khoảng 18.500 km. So với các nước trên thế giới, chiều dài quốc lộ của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 30% so với Nhật và Anh. Mật độ quốc lộ cũng chiếm tỷ lệ rất thấp, bằng 50% so với Philippines và Thái Lan. Mạng lưới tỉnh lộ chỉ dài hơn quốc lộ khoảng 30%. Trong khi đó, ở đa số các nước phát triển, mạng lưới đường tỉnh thường dài tối thiểu gấp đôi quốc lộ.

Đối với đường sắt, hiện tổng chiều dài chính tuyến khoảng 2.632 km. Đường biển có 31 cảng biển với 167 bến cảng, 351 cầu cảng. Tổng chiều dài cầu cảng khoảng trên 40 nghìn mét. Đường thủy nội địa có tổng chiều dài khai thác 15 nghìn km và 7.287 cảng, bến thủy nội địa. Về hàng không, hiện cả nước có 21 cảng hàng không, trong đó có 7 cảng hàng không quốc tế.

Bên cạnh việc khái quát các vấn đề chung về GTVT, Bộ trưởng cũng cho biết tình hình triển khai quy hoạch phát triển GTVT giai đoạn trước Đại hội XI và giai đoạn sau Đại hội XI.

Đối với giai đoạn sau Đại hội XI, Bộ GTVT đã triển khai rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, lập hoặc điều chỉnh đề trình duyệt, phê duyệt theo thẩm quyền các quy hoạch chuyên ngành; xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các vùng kinh tế trong toàn quốc nhằm đầu tư các công trình giao thông quốc gia và địa phương một cách đồng bộ.

Về tình hình triển khai thực hiện trong giai đoạn này, Ngành GTVT nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông; tăng cường huy động vốn để đầu tư phát triển GTVT; rà soát, điều chỉnh quy mô và phân kỳ đầu tư các công trình GTVT cho phù hợp với điều kiện về vốn và nhu cầu thực tiễn; đầu tư nâng cấp và mở rộng QL1; tăng cường công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình giao thông hiện có; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; ngăn chặn, đẩy lùi TNGT và giảm ùn tắc giao thông.

Bộ trưởng khẳng định: Báo cáo hôm nay đã khái quát bức tranh tổng thể về Ngành GTVT Việt Nam. Hiện nay, kết cấu hạ tầng là một điểm nghẽn cần tháo gỡ, trong đó GTVT phải đi trước một bước. Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện còn hết sức khó khăn. Do vậy, Bộ GTVT mong muốn các đồng chí chia sẻ với Ngành GTVT và cũng có những sáng kiến để giúp Ngành GTVT phát triển đáp ứng yêu cầu của đất nước, nhanh chóng đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Tại buổi làm việc, học viên lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp Khóa II đã có trao đổi cụ thể với Bộ trưởng một số vấn đề GTVT hiện nay như việc phát triển đường sắt, đường thủy nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, vấn đề phát triển giao thông cân đối, hợp lý giữa các địa phương...

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo - Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh mong các học viên quan tâm hơn nữa việc phát triển GTVT ở địa phương

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo , Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia
Hồ Chí Minh mong các học viên quan tâm hơn nữa việc phát triển GTVT ở địa phương

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Trong lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp có nhiều chuyền đề báo cáo thực tế, hôm nay, tập thể lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp Khóa II và Đoàn cán bộ của Học viện rất vui mừng được đến thăm Bộ GTVT và được nghe đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT trực tiếp trình bày về quy hoạch phát triển GTVT Việt Nam trong những năm tới”.

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo cũng khẳng định, báo cáo thực tế tại Bộ GTVT hôm nay đã cung cấp một số kiến thức cơ bản về GTVT; phác họa bức tranh toàn cảnh về Ngành GTVT của đất nước cùng như phương hướng, chiến lược chủ yếu về phát triển GTVT nhằm đáp ứng nhiệm vụ, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo cũng mong các học viên quan tâm và chỉ đạo hơn nữa việc phát triển GTVT ở địa phương mình. Đồng thời, các học viện cũng có những đóng góp cho Bộ GTVT về phương hướng, giải pháp lớn để thực hiện thành công các mục tiêu, quy hoạch GTVT.

Kiều Anh