Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo TTATGT 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014

Ngày 31/12/2013
Sáng nay (31/12), Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo TTATGT 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014.

Sáng nay (31/12), Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo TTATGT 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng; ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia và các ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia cùng đại diện các Bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội. Hội nghị trực tuyến được tổ chức ở 63 tỉnh thành có sự tham gia của các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch là Trưởng ban ATGT các tỉnh, thành phố.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo TTATGT 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc
chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo TTATGT 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng đã báo cáo tình hình công tác đảm bảo TTATGT năm 2013, đánh giá kết quả thực hiện "Năm An toàn giao thông 2013".

Theo báo cáo, năm 2013, TNGT trên địa bàn cả nước đã được kiềm chế và giảm trên cả 3 tiêu chí; số vụ, số người chết và bị thương giảm so với cùng kỳ năm 2012. Năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp toàn quốc đã giữ vững và kiểm chế được số người chết do TNGT (dưới 10.000 người); tình hình trật tự ATGT bước đầu được thiết lập lại, đạt được mục tiêu giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

Có 37 tỉnh, thành phố giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT, trong đó, có 3 tỉnh giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương trên 20% là: Đồng Nai; Quảng Nam; Tây Ninh. Có 05 tỉnh có số người chết giảm trên 20% là: Vĩnh Phúc, Cà Mau, Đồng Nai, Quảng Nam, Tây Ninh. Có 13 tỉnh, thành phố có số người chết giảm từ 10% - dưới 20% là: Vĩnh Long, Hòa Bình, Sóc Trăng, Quảng Bình, An Giang, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Bình Định, Thái Nguyên, Kon Tum, Yên Bái, Bạc Liêu, Long An.

Tuy nhiên, năm 2013, có 19 tỉnh có số người chết vì TNGT tăng, trong đó có 7 tỉnh có số người chết tăng cao trên 10% là: Khánh Hòa, Hà Giang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Điện Biên, Lai Châu, Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt, có 04 tỉnh tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT là: Gia Lai; Trà Vinh, Cần Thơ, Lai Châu.

 Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia
Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị

Về công tác chỉ đạo, điều hành, phát huy kết quả năm 2012, năm 2013 đã có một bước chuyển biến mạnh mẽ với việc quán triệt  triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư và các nghị quyết của Quốc hội với mục tiêu trọng tâm là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về công tác bảo đảm TTATGT. Việc tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tạo được sự quan tâm, cũng như đồng thuận xã hội trong việc triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT. Hoạt động giám sát đã giúp cho Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đánh giá được kết quả công tác bảo đảm TTATGT, phát hiện được các khiếm khuyết của công tác này để kịp thời bổ sung, chấn chỉnh trong quá trình thực hiện.

Việc chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã tạo sự quan tâm, sự vào cuộc liên tục và hiệu quả của các Bộ, ngành, chính quyền các cấp. Công tác biểu dương, phê bình người đứng đầu Ban ATGT địa phương đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành ở địa phương.

Ngoài ra, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và các Bộ, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan phát thanh, truyền hình là thành viên của Ủy ban đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 18 và thống nhất chủ đề cho Năm An toàn giao thông 2013 là “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để mỗi cán bộ, công chức, người thực thi công vụ nhận thức rõ tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong suy nghĩ và hành động, làm hạt nhân để vận động gia đình, người thân và quần chúng nhân dân tham gia giao thông an toàn. Công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT cũng đã được các Bộ, ngành đẩy mạnh.

Cùng với đó, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham mưu cho Đảng bộ, Uỷ ban nhân dân ban hành các chương trình hành động, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tiêu biểu là các tỉnh: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Nghệ An….

Báo cáo cũng nêu bật được những kết quả đã đạt được trong công tác triển khai các giải pháp nhằm “Nâng cao tinh thần trách nhiệm người thực thi công vụ”; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; công tác thanh tra, kiểm tra và tuần tra kiểm soát xử lý vi phạn về trật tự ATGT; công tác quản lý vận tải, phương tiện và người lái; công tác đầu tư xây dựng và bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số văn bản còn ban hành chậm so với kế hoạch, vẫn còn những quy định chưa sát với yêu cầu thực tiễn đặt ra; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được quan tâm đúng mức ở một số Bộ, ngành, địa phương; Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải tại một số địa phương có tình trạng buông lỏng; Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại một số đơn vị còn chưa thực hiện nghiêm các quy định về thời lượng chương trình đào tạo, chưa thực hiện nghiêm quy định về sát hạch lái xe trên đường giao thông công cộng; Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đăng kiểm còn hạn chế, đặc biệt là việc thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở đăng kiểm xã hội hóa, một số cán bộ đăng kiểm còn thiếu tinh thần trách nhiệm, hiện tượng tiêu cực vẫn còn xảy ra…

Trên cơ sở phân tích kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế…, Báo cáo chỉ rõ bài học kinh nghiệm rút ra cho công tác đảm bảo TTATGT, trước hết là sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban ATGT QG và các Bộ ngành, đoàn thể ở Trung ương. Hai là: Sự vào cuộc đồng bộ, sáng tạo, phân định rõ và phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng ngành trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các địa phương đã nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức và người thực thi công vụ. Ba là: Sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng xã hội. Bốn là: Công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm phải thường xuyên, liên tục, phải thực hiện kiên quyết, nghiêm minh, đúng pháp luật và chỉ theo pháp luật, không phân biệt đối tượng vi phạm.

Tại Hội nghị trực tuyến, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã có phát biểu tham luận về công tác đảm bảo TTATGT 2013 và nhiệm vụ năm 2014.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp giảm số người chết do TNGT dưới 10.000 người trong bối cảnh phương tiện tăng nhanh, là một thành công. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp tương đối đồng bộ và quyết liệt đã kéo giảm được TNGT so với năm 2012. Đây là thành tích của hệ thống chính trị, của Đảng và Ban ATGT các địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy các mô hình đảm bảo ATGT hiệu quả như Bắc Ninh có mô hình gắn trách nhiệm người đứng đầu; Hà Nội phát thanh tuyên truyền Luật Giao thông tại các nút giao thông; An Giang nêu gương tốt, phê phán những hành vi vi phạm ATGT trên đài truyền hình...

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố phải lập kế hoạch hành động, có giải pháp cụ thể để triển khai công tác đảm bảo ATGT trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

LMC