Chiều 6/1, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) về kết quả công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa và kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2013, kế hoạch năm 2014.
Cùng dự có các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Công, Nguyễn Hồng Trường và đại diện các Bộ: Kế hoạch đầu tư, Tài chính; đại diện các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ, Công đoàn GTVT Việt Nam; lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy...
Tại cuộc họp, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Vũ Anh Tuấn đã trình bày báo cáo về kết quả công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa năm 2013, nhiệm vụ 2014; kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2013 và kế hoạch năm 2014. Theo đó, Tổng công ty đã hoàn thành tái cơ cấu khoản vay 600 triệu USD, các khoản nợ nước ngoài khác và tái cơ cấu khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước giai đoạn 1. Ông Tuấn cũng báo cáo về tình hình xử lý các khoản nợ vay trái phiếu quốc tế qua Bộ Tài chính và nợ vay tại ADB. Tổng công ty đã được đăng ký kinh doanh, có con dấu và chính thức hoạt động từ 27/12/2013. Với 08 đơn vị được giữ lại, Tổng công ty đã hướng dẫn các đơn vị xây dựng Đề án tiếp tục tái cơ cấu. Đến nay, Tổng công ty đã hoàn thành xong việc giảm đầu mối 59 đơn vị: Chuyển nhượng vốn và quyền góp vốn 31 đơn vị; sáp nhập 04 đơn vị; giải thể 20 đơn vị và bàn giao, chuyển chủ sở hữu 04 đơn vị. Đại diện Tổng công ty cũng nêu cụ thể tình hình tái cơ cấu lao động và công tác tái cơ cấu đầu tư của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.
Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Vũ Anh Tuấn
trình bày báo cáo kết quả hoạt động của Tổng công ty
Trong năm 2013, giá trị tổng sản lượng của Tổng công ty ước đạt hơn 6.215 tỷ đồng, bằng 93,74% kế hoạch năm, trong đó: Đóng, sửa chữa tàu ước đạt gần 4.600 tỷ đồng, công nghiệp phụ trợ và sản xuất công nghiệp khác ước đạt gần 637 tỷ đồng; các hoạt động sản xuất kinh doanh khác ước đạt 1.297 tỷ đồng. Tổng doanh thu ước đạt 5.723 tỷ đồng, bằng 82,30% kế hoạch năm. Số lượng tàu bàn giao ước đạt 47 chiếc, trong đó 19 tàu xuất khẩu và 28 tàu trong nước. Tổng số lao động dự kiến đến ngày 31/12/2013 là 13.057 người, thu nhập bình quân ước đạt 4.414 nghìn đồng/người/tháng.
Giá trị tổng sản lượng năm 2013 của 08 đơn vị giữ lại theo mô hình Tổng công ty ước đạt 3.918 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 63,04% ước thực hiện năm 2013 của Tập đoàn. Tổng doanh thu ước đạt hơn 3.161 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55,24% ước thực hiện năm của Tập đoàn. Tổng số tàu bàn giao ước đạt 28 chiếc: 19 tàu xuất khẩu và 09 tàu trong nước. Tổng số lao động dự kiến đến ngày 31/12/2013 ước đạt 7.653 người, thu nhập bình quân ước đạt 5.248 nghìn đồng/người/tháng.
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Vũ Anh Tuấn cũng trình bày kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014 theo hai phương án. Phương án thấp đối với các sản phẩm đóng tàu đã có hiệu lực hợp đồng và các điều kiện để triển khai thi công: Toàn Tổng công ty năm 2014 sẽ triển khai thi công 82 tàu trong đó: 37 tàu xuất khẩu và 45 tàu trong nước; tàu bàn giao là 76 chiếc trong đó 35 tàu xuất khẩu và 41 tàu trong nước. Giá trị tổng sản lượng đề ra năm 2014 của Tổng công ty đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt hơn 6.150 tỷ đồng.
Đối với 08 đơn vị giữ lại, số tàu triển khai thi công là 65 tàu, trong đó 37 tàu xuất khẩu và 28 tàu trong nước; số tàu bàn giao là 59 tàu, trong đó 35 tàu xuất khẩu và 24 tàu trong nước. Giá trị tổng sản lượng hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66,85% kế hoạch giá trị tổng sản lượng toàn Tổng công ty, tổng doanh thu hơn 3.790 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 61,63% kế hoạch tổng doanh thu toàn Tổng công ty.
Theo phương án cao gồm các sản phẩm đã có hợp đồng và các sản phẩm khác dự kiến xúc tiến để có hiệu lực hợp đồng để đủ điều kiện triển khai thi công, toàn Tổng công ty sẽ triển khai thi công 127 tàu, trong đó tàu xuất khẩu là 49 chiếc và tàu trong nước là 78 chiếc; số tàu bàn giao là 103 chiếc, trong đó 35 tàu xuất khẩu và 68 tàu trong nước. Tổng giá trị sản lượng hơn 7.390 tỷ đồng, tổng doanh thu là 7.597 tỷ đồng. Đối với 08 đơn vị giữ lại, số lượng tàu triển khai thi công là 90 tàu, trong đó 49 tàu xuất khẩu và 41 tàu trong nước; số tàu bàn giao là 70 chiếc, trong đó 35 tàu xuất khẩu và 35 tàu trong nước. Giá trị tổng sản lượng đề ra năm 2014 là hơn 4.626 tỷ đồng, tổng doanh thu là 4.346 tỷ đồng.
Để hoàn thành được kế hoạch trên, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy kiến nghị Bộ GTVT tích cực hỗ trợ trong công tác xúc tiến thị trường, tăng số lượng sản phẩm, tạo quỹ việc làm cho người lao động và tăng giá trị sản lượng, doanh thu. Đồng thời, đề nghị Bộ hỗ trợ các đơn vị tái cơ cấu các khoản nợ của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước và hỗ trợ các đơn vị về vốn khi có hợp đồng đóng tàu.
Tại cuộc họp, đại diện các Vụ: Tài chính, Vận tải, Kế hoạch đầu tư, Hợp tác quốc tế, Pháp chế; Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài chính … đã bổ sung, đóng góp ý kiến xung quanh kết quả công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa và kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2013 và kế hoạch năm 2014 của Tổng công ty.
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu kết luận cuộc họp
Sau khi nghe các Thứ trưởng báo cáo thêm về tình hình tái cơ cấu, những vướng mắc, tồn tại của Tổng công ty, kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, Chính phủ, các Bộ, Ngành liên quan, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy mới thực hiện được Đề án tái cơ cấu và đạt được những kết quả khả quan. Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, công nhân, người lao động trong toàn Tổng công ty. Trong thời gian tới, Tổng công ty còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt trong vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty cần cố gắng bám sát thị trường, bao quát thị trường trong nước, mở rộng hợp tác quốc tế, đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả, năm sau cao hơn năm trước. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cần tiếp tục quyết liệt thực hiện Đề án Tái cơ cấu, duy trì thường xuyên hai nhóm tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng đề nghị Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và các công ty con tập trung vào thực hiện cổ phần hóa, coi đó là con đường tái cơ cấu thành công và hiệu quả; xây dựng lộ trình cổ phần hóa chi tiết, cụ thể. "Đồng thời, trong thời gian tới, các Cục, Vụ trực thuộc Bộ GTVT và các Bộ, Ngành liên quan tiếp tục sát cánh, chia sẻ khó khăn cùng Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy để quá trình tái cơ cấu đạt hiệu quả hơn", Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu./.
Kim Cúc