Ngày 22/1, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký Quyết định số 264/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án “Đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng công tác quản lý, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa”.
Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm đổi mới bộ máy tổ chức làm công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo định hướng hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý; tăng cường quản lý, kiểm tra và giám sát các nhà thầu duy tu, bảo dưỡng công trình, quản lý tới từng địa bàn công trình; Phân cấp và tăng cường quản lý tại đơn bị cơ sở, cơ quan quản lý cấp trên thực hiện các nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược quy hoạch và các công việc vĩ mô…; Đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về quản lý, xã hội hóa, phân cấp công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa để làm cơ sở lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ chất lượng cao, tạo môi trường lành mạnh; Tăng nguồn lực thực hiện bảo trì công trình đường thủy nội địa từ xã hội hóa, giảm sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; Tăng cường công tác quản lý hành lang, bảo vệ luồng và kết cấu hạ tầng giao thông; đổi mới công tác xây dựng kế hoạch quản lý bảo trì hàng năm, trung hạn 5 năm và điều chỉnh, bổ sung; Xây dựng hệ thông tin quản lý kết cấu hạ tầng trên các tuyến đường nội địa chính…
Các nội dung và giải pháp đổi mới gồm: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách; quản lý kế hoạch bảo trì đường thủy nội địa; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng bảo trì đường thủy nội địa; quản lý chất lượng bảo trì đường thủy nội địa; quản lý tài chính; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đường thủy nội địa; phương án cổ phần hóa; hệ thống thông tin; công tác nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa; công tác quản lý cảng thủy nội địa được nhà nước đầu tư xây dựng; công tác quản lý hành lang an toàn đường thủy nội địa; kinh phí và nguồn vốn thực hiện cùng một số công việc khác./.
KC