Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện và kế hoạch triển khai các dự án BOT, BT, PPP

Ngày 17/02/2014
Ngày 17/2, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện và kế hoạch triển khai các dự án BOT, BT, PPP.

Ngày 17/2, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện và kế hoạch triển khai các dự án BOT, BT, PPP. Các đồng chí Thứ trưởng Trương Tấn Viên, Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Lê Đình Thọ và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ đã tham dự cuộc họp.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng - Trưởng ban Ban PPP Lê Anh Tuấn cho biết: Hiện nay, Bộ GTVT đang quản lý 56 dự án (DA) BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư khoảng 165.000 tỷ đồng, gồm 14 DA đã hoàn thành đưa vào khai thác, 34 DA đang triển khai thi công, 9 DA sẽ sớm triển khai trong thời gian tới và đang kêu gọi đầu tư nhiều DA khác.

Cụ thể, có 21 DA trọng điểm trên Quốc lộ (QL) 1A và QL14 đang được triển khai đầu tư theo hình thức BOT. Trong đó, 19/21 DA đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và chính thức ký hợp đồng dự án, 18/21 DA đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng; tiến độ bàn giao mặt bằng đảm bảo cho các Nhà đầu tư (NĐT) có đủ công địa để thi công từng phần. Hiện nay trên các công trường đã triển khai đồng loạt. Ngoài ra, các DA BOT hoàn thành thi công trong năm 2014 (đoạn tránh TP. Biên Hòa; cầu Đồng Nai; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; QL18 Uông Bí - Hạ Long; QL10 đoạn cầu Tân Đệ - La Uyên) và Dự án đầu tư theo hình thức BT QL20 Dầu Giây - Bảo Lộc đang được gấp rút triển khai thi công, cơ bản bám sát tiến độ. Riêng dự án QL20 Dầu Giây - Bảo Lộc chậm tiến độ so với yêu cầu.

Đối với các dự án đường bộ cao tốc đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), ông Lê Anh Tuấn cho biết, hiện nay các DA đầu tư đường cao tốc có chi phí đầu tư rất lớn, suất đầu tư cao. Để hoàn vốn cho Nhà đầu tư thì mức phí cao, thu phí kín (trả phí theo chiều dài đoạn đường) và đặc biệt phải có khoản góp của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi của dự án (gọi là VGF). Trong điều kiện ngân sách nhà nước rất khó khăn thì khoản VGF thường phải đề nghị Chính phủ vay ODA để góp vào dự án. Do vậy, tiến độ các DA cũng phụ thuộc vào thu xếp vốn các nhà tài trợ. Với đánh giá trên, ông Lê Anh Tuấn đã đưa ra những khó khăn, vướng mắc của 05 dự án đường bộ cao tốc đầu tư theo hình thức hợp PPP: Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; DA Ninh Bình - Thanh Hóa - Bãi Vọt (Hà Tĩnh); DA đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; DA đường Vành đai 3 - TP.HCM, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; DA đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Trong lĩnh vực đường sắt, các DA BOT đường sắt nếu bao gồm cả đầu tư hạ tầng, thiết bị và hoàn vốn bằng thu phí vận tải không khả thi vì có tổng mức đầu tư rất lớn và nguồn thu chính từ vận tải của đường sắt thấp. Trong khi đó chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng vẫn phải bù lỗ (từ doanh thu vận tải khoảng 20% và Nhà nước bù 80% còn lại). Do đó cần phải quy hoạch các ga, nghiên cứu việc đầu tư xã hội hóa dịch vụ của một số nhà ga, xã hội hóa hoạt động kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ theo cơ chế thị trường nhằm thu hút vốn đầu tư ngoài NSNN và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt.

Với lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa, để huy động vốn ngoài NSNN đầu tư vào KCHT hàng hải như cảng biển, cảng sông, bến bãi có thể thực hiện bằng hình thức đầu tư trực tiếp, liên danh liên kết theo Luật Đầu tư và cổ phần hóa. Đối với luồng thì khó khăn lớn nhất để có thể đầu tư là các chính sách và cơ chế thu phí chưa hấp dẫn, đặc biệt hiện nay chưa có cơ chế thu phí sử dụng luồng đường thủy nội địa, cơ chế tận thu sản phẩm sau nạo vét.

Các lĩnh vực hàng không, đường sắt, đường sông chưa huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa có các chính sách và phương thức hoàn vốn…

Sau khi nghe ý kiến trao đổi của các Thứ trưởng và lãnh đạo các Vụ, Cục về những tồn tại, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn tại các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, PPP, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban PPP phải tập trung đẩy mạnh các dự án BOT trọng điểm trên QL1 và QL14 (Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên) đang triển khai đầu tư, đôn đốc hoàn thành các thủ tục bao gồm giấy phép đầu tư và ký hợp đồng dự án, hợp đồng tín dụng; có giải pháp về vốn giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án…

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông có nhiệm vụ giám sát, phát hiện kịp thời không để xảy ra tình trạng các nhà đầu tư không có tiền đóng nguồn vốn chủ sở hữu nhận dự án.

Để tập trung đôn đốc các dự án triển khai thi công, Bộ trưởng đề nghị tất cả các đồng chí Thứ trưởng phụ trách từng dự án quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ; đôn đốc thủ tục dự án và công tác giải phóng mặt bằng; thay thế các nhà thầu không đảm bảo thi công đối với dự án chậm tiến độ so với yêu cầu để hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Đối với các dự án đường bộ cao tốc đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), Bộ trưởng thống nhất phương án phân kỳ đầu tư, tập trung giai đoạn đầu với quy mô 2 làn xe.

Với một số dự án khác, Bộ trưởng giao Ban PPP chủ trì chuẩn bị báo cáo tổng kết các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, PPP trong thời gian vừa qua, những kết quả đạt được, những tồn tại, bất cập cùng đề xuất về cơ chế, chính sách thu hút vốn, đền bù giải phóng mặt bằng,…; Phối hợp với Vụ Pháp chế rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung; tham gia xây dựng Nghị định PPP và chuẩn bị các thông tư hướng dẫn khi Nghị định về PPP được ban hành; Vụ Khoa học công nghệ chủ trì hoàn chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn công nghệ thu phí và xây dựng lộ trình thực hiện trên toàn hệ thống quốc lộ và đường cao tốc; Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì làm thủ tục thành lập Cục Quản lý đường cao tốc để quản lý, khai thác hệ thống đường cao tốc hiệu quả.

Với mục tiêu xã hội hóa lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa, các Cục chuyên ngành xây dựng các cơ chế thu phí sử dụng luồng, tuyến, mô hình đặc thù để thực hiện mô hình xã hội hóa. Bộ trưởng cũng thống nhất tách tổ chức kinh doanh vận tải và tổ chức quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt; xã hội hóa hoạt động kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ theo cơ chế thị trường. Bộ trưởng yêu cầu tất cả các Cục chuyên ngành xây dựng các cơ chế, đề án để thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông…

Dự kiến trong năm 2014, ngoài 02 dự án đã khánh thành vào tháng 1 là Dự án Nút giao Vũng Tàu (cầu Đồng Nai) và QL1 đoạn Nam Bến Thủy đến tuyến tránh TP.Hà Tĩnh, Bộ GTVT sẽ khánh thành thêm 09 dự án nữa. Cùng với đó sẽ phấn đấu giải ngân vốn ngoài ngân sách trên 41.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá: “Việc huy động các nguồn lực thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là hết sức quan trọng và cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh đất nước tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, phải xây dựng một thể chế, chính sách lâu dài, rõ ràng, minh bạch để thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa nhằm giảm thiểu đầu tư công và nợ công, góp phần ổn định kinh tế vi mô, kiềm chế lạm phát”.

Vũ Hoa