Chiều 28/3, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị Triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư TW Đảng và Tổng kết công tác An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ năm 2013, nhiệm vụ năm 2014. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã tới dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Văn Ngàng, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Văn Ngàng, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt
chủ trì Hội nghị
Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện công tác An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ năm 2013, nhiệm vụ năm 2014 của Bộ GTVT do ông Nguyễn Xuân Thụ, Phó Vụ trưởng Vụ TCCB trình bày tại Hội nghị cho biết, trong những năm qua, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về công tác an toàn vệ sinh lao động, như: Tăng cường thực hiện công tác bảo hộ lao động; đôn đốc, hướng dẫn công tác bảo hộ lao động; báo cáo tình hình tai nạn lao động....Hàng năm, Bộ đều chỉ đạo các cơ quan, đơn vị báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo hộ lao động; hướng dẫn các đơn vị tổ chức Tuần lễ Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng vể “ Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế", Ban Cán sự đảng Bộ đã Ban hành Chương trình hành động về việc thực hiện Chỉ thị số 29- CT/TW. Tại các đơn vị trực thuộc đều thành lập Hội đồng bảo hộ lao động, lựa chọn, bố trí cán bộ làm cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về bảo hộ lao động, y tế.
Theo thống kê, năm 2013, tổng sổ lao động đã được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động là 149.693 người/237.635 người; tổng số CBCNV của các đơn vị được khám sức khoẻ định kỳ là 125.700 người; khám sức khoẻ phát hiện bệnh nghề nghiệp là 7.648 người; phun thanh khiết môi trường 15.850.000 m2.... số người bị mắc bệnh nghề nghiệp giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, năm 2013 vẫn xảy ra 92 vụ tai nạn lao động, 94 người bị nạn, trong đó có 11 người chết (so với năm 2012 đã giảm 81 vụ tai nạn, giảm 92 người bị nạn, giảm 16 người chết); tổng số tiền chi phí cho tai nạn lao động là 1.573 triệu đồng (giảm 249,9 triệu đồng so với năm 2012).
Trong công tác phòng chống cháy nổ, các đơn vị đều đã quan tâm và tổ chức thực hiện tốt công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC), thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác PCCC như: Thành lập Ban chỉ đạo PCCC; thành lập Đội PCCC cơ sở; xây dựng phương án PCCC và được cảnh sát PCCC địa phương thẩm định, phê duyệt; ban hành các nội quy liên quan đến công tác PCCC; đầu tư kinh phí cho công tác PCCC (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã đầu từ hàng chục tỷ đồng mỗi nàm cho công tác này, với những thiết bị tiến tiến, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới ICAO); định kỳ có thực hiện tự kiểm tra hoặc phối hợp với cảnh sát PCCC địa phương kiểm tra tình hình thực hiện công tác PCCC tại đơn vị mình, khắc phục kịp thời các thiếu sót, hạn chế và ngăn ngừa tối đa nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra; tập huấn, huấn luyện cho đội PCCC cơ sở về kiến thức PCCC.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, trong năm 2014, Bộ GTVT sẽ tiếp tục yêu cầu các tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động thực hiện tốt Thông tư Liên tịch số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động trong cơ sở lao động. Đồng thời tiếp tục thực hiện huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, thực hiện việc đăng ký, kiểm định và quản lý thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp. Phối hợp với công đoàn cùng cấp tuyên truyền, giáo dục, vận động người lao động thực hiện đúng, đầy đủ các nội quy, quy định trong công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo hoàn thiện chương trình giảng dạy về công tác bảo hộ lao động, an toàn và vệ sinh lao động đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt để đưa vào giảng dạy; đồng thời tiêu chuẩn hóa giáo viên giảng dạy về an toàn vệ sinh lao động; phối hợp với thủ trưởng các đơn vị có liên quan để mở các lớp đào tạo, tập huấn cho người lao động.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục rà soát để hoàn chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của bộ ngành có liên quan về công tác bảo hộ lao động, an toàn và vệ sinh lao động; kịp thời phản ánh tình hình thực hiện công tác bảo hộ lao động, an toàn và vệ sinh lao động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện, diễn tập PCCC để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống cháy nổ; Tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác PCCC; trang bị đầy đủ các trang thiết bị PCCC đảm bảo đúng quy định và sẵn sàng đáp ứng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt trình bày
Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT về việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW
Sau khi nghe ông Vũ Quý Phàn - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng BCS Đảng phổ biến Chương trình Hành động của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, Hội nghị đã nghe ông Đỗ Nga Việt - Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam trình bày Kế hoạch liên tịch giữa Bộ GTVT và Công đoàn GTVT Việt Nam triển khai Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW. Theo Kế hoạch, mục tiêu cụ thể đến năm 2018 là: giảm các vụ tai nạn lao động từ 10-15% so với giai đoạn năm 2008 - 2013, không để xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng; 100% người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn vệ sinh lao động và người lao động được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động; đối với các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động, có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải được tập huấn chuyên sâu về an toàn vệ sinh lao động chuyên ngành; 100% người lao động được xác nhận làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng chế độ bồi dưõng độc hại, các chế độ chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật; 100% số người lao động được khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; 100% CNVCLĐ được tuyên truyền, phổ biển thông tin về an toàn vệ sinh lao động; phấn đấu trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mỗi tổ, đội sản xuẩt có bình quân 01 an toàn vệ sinh viên; đặt mục tiêu tại các trường thuộc Bộ Giao thông vận tải có nội dung An toàn vệ sinh lao động trong chương trình giảng dạy; đảm bảo 100% số vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng được điều tra, xử lý đúng quy định pháp luật.
Hội nghị cũng dành thời gian nghe một số tham luận về chất lượng và an toàn trong quá trình xây dựng các công trình giao thông; về việc thực hiện vệ sinh lao động và chăm sóc sức khoẻ tại các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT….
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Vụ, Cục QLXD & CLCTGT thực hiện công tác An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ năm 2014. Thứ trưởng cũng yêu cầu các cấp ủy, đảng, chính quyền các đơn vị phải tổ chức quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư TW Đảng, Kế hoạch hành động của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động.
DT