Sáng 27/5, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về thống nhất xây dựng Thông tư liên tịch giữa Bộ GTVT và Bộ Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông và đánh giá kết quả hai tháng triển khai thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên toàn quốc. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Lê Đình Thọ; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ GTVT, Bộ Công an và Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia.
Tăng cường phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch bảo đảm an ninh, trật tự và ATGT
Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị của ngành GTVT và ngành Công an trong hoạt động GTVT có ý nghĩa rất quan trọng, giúp hai Bộ và các lực lượng của hai ngành ở cấp địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước phân công. Để việc phối hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hai Bộ GTVT và Công an cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có tính pháp lý để điều chỉnh công tác phối hợp giữa hai ngành.
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, qua rà soát bước đầu, Bộ GTVT và Bộ Công an đã có 17 văn bản phối hợp giữa các đơn vị thuộc hai Bộ trên lĩnh vực an ninh, trật tự và ATGT; tuy nhiên, chưa có một văn bản nào có tính pháp lý cao điều chỉnh mối quan hệ phối hợp chung giữa hai Bộ. Bộ trưởng Bộ Công an đã thống nhất công tác phối hợp với Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng 1 Thông tư liên tịch chung giữa hai Bộ trên lĩnh vực công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ GTVT.
Vụ trưởng Vụ Vận tải Khuất Việt Hùng báo cáo tại cuộc họp
Ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, hiện tại giữa hai Bộ và các cơ quan thuộc hai Bộ đã có 4 Thông tư liên tịch, 1 Kế hoạch phối hợp cấp Bộ và 1 Quy chế phối hợp cấp Tổng cục, 8 Quy chế phối hợp giữa các Cục quản lý chuyên ngành của Bộ GTVT với các Cục thuộc lực lượng Công an đang thực hiện, cần phải tổng kết, đánh giá kết quả cũng như những hạn chế, tồn tại cần sửa đổi, bổ sung của các văn bản này để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện hoặc nâng cấp.
Đồng tình và nhất trí cao sự phối hợp giữa hai Bộ, Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (Tổng cục VII) cho rằng, sự phối hợp giữa hai Bộ trong công tác là hết sức cần thiết và quan trọng, thực tế trong những năm qua sự phối hợp giữa hai Bộ, giữa các đơn vị hữu quan của Bộ Công an và GTVT rất tốt. Trên cơ sở phối hợp từ các Kế hoạch, Quy chế nhiều lĩnh vực đã được nâng lên trong quá trình thực hiện, từ đó cần thiết phải có văn bản để điều chỉnh phối hợp cho đảm bảo, đúng quy định của pháp luật.
Trung tướng Đỗ Đình Nghị đề nghị cần nghiên cứu kỹ nội dung, bố cục xây dựng Thông tư liên tịch cho hợp lý; cụ thể cần theo trình tự pháp quy, thành lập Tổ biên soạn, xây dựng, lấy ý kiến, trình Lãnh đạo hai Bộ. Bên cạnh đó, Trung tướng Đỗ Đình Nghị cũng thống nhất cao với đề xuất của Vụ Vận tải (Bộ GTVT) những Thông tư đã báo cáo hai Bộ đồng ý, đang triển khai thực hiện thì để cho các đơn vị chức năng xây dựng, hoàn thiện theo đúng trình tự xây dựng văn bản pháp quy.
Về nội dung này, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL của mỗi cơ quan Bộ GTVT và Bộ Công an, cũng như hoàn thiện văn bản QPPL trong phối hợp công tác giữa hai Bộ, làm sao để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bộ, nhưng đồng thời thực hiện phối hợp trong công tác nhiệm vụ chung nhằm đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân, tạo thuận lợi cho nhân dân về cải cách hành chính đúng tinh thần Hiến pháp mới 2013. Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế hoàn chỉnh báo cáo hệ thống các văn QPPL về công tác phối hợp giữa hai Bộ để báo cáo Bộ Công an và Bộ GTVT về kết quả triển khai thực hiện công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của hai Bộ trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn GTVT.
Về các văn bản quy định công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung giữa hai Bộ, Bộ trưởng đề nghị rà soát kỹ, những quy định nào đang triển khai thực hiện tốt thì tiếp tục triển khai, những nội dung cần cập nhật thì bổ sung, nội dung nào không phù hợp lý thì sửa bỏ; Bộ trưởng yêu cầu rà soát lại các văn bản QPPL hết hiệu lực thì tiến hành công bố hết hiệu lực theo đúng quy định; hai bên thành lập Nhóm công tác rà soát từng thông tư, quy chế đang thực hiện, cần phải tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả cũng như những hạn chế, tồn tại cần sửa đổi, bổ sung các văn bản để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện hoặc nâng cấp, từ Quy chế phối hợp thành Thông tư nhằm nâng tính hiệu lực pháp luật cao hơn.
Hai tháng kiểm tra gần 88.000 xe, phát hiện hơn 13.200 xe vi phạm tải trọng
Báo cáo kết quả triển khai kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, sau gần hai tháng triển khai các địa phương đã chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT trong việc thực hiện công tác KTTTX bằng bộ cân lưu động và cân xách tay; lãnh đạo nhiều địa phương đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo; hai ngành GTVT và Công an đã khắc phục khó khăn, tập trung, quyết liệt phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị như hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đăng ký phương xe ô tô của trạm KTTTX, bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, lực lượng phối hợp... để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe.
Về kết quả cụ thể, ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến ngày 6/5/2014, đã có 63/63 (đạt 100%) địa phương đưa Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động vào sử dụng; hầu hết các địa phương đã ký Quy chế phối hợp KTTTX tại Trạm KTTTX lưu động với Bộ GTVT. Tính từ ngày 1/4 đến ngày 25/5/2014, có 51 (81%) địa phương duy trì hoạt động từ 30 ngày trở lên; hầu hết các địa phương đã duy trì hoạt động liên tục 24/24h trong ngày và 7 ngày trong tuần; còn 12 địa phương mới hoạt động được dưới 30 ngày. Tính đến hết ngày 25/5/2014, đã kiểm tra 88.324 xe, trong đó có 13.201 xe vi phạm (chiếm 15%).
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa công tác kiểm soát tải trọng phương tiện
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, hiện nay công tác kiểm soát tải trọng xe đang áp dụng rất nhiều các giải pháp mang tính chất tổng thể để thực hiện, còn việc cân tải trọng xe chỉ là một giải pháp để xử lý việc chở quá tải; do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải hết sức lưu ý tham mưu cho Bộ cần phải mang tính chất tổng thể, nắm rõ tình hình diễn biến để có những biện pháp triển khai, xử lý kịp thời, chính xác. Bên cạnh những mặt đạt được, Thứ trưởng đã nêu ra những mặt còn tồn tại, khó khăn cũng như đưa ra các giải pháp để thực hiện, trong đó yêu cầu lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn kỹ thuật phương tiện, công tác tuyên truyền, vận động…
Đánh giá cao những kết quả ban đầu trong việc kiểm soát tải trọng xe, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ. Từ chủ trương này, Bộ GTVT, Bộ Công an cùng phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai thực hiện hết sức quyết liệt, đồng bộ cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của người dân, lái xe, doanh nghiệp, hiệp hội vận tải; do đó, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện phải tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.
Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ ra những còn tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó còn một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, vẫn còn những hiện tượng tiêu cực, có lúc có nơi còn một số lực lượng chức năng dung túng cho phương tiện chở quá tải trọng nhưng vẫn đi qua Trạm KTTTX, một số lái xe chống đối, sự phối hợp của một số đơn vị ở địa phương chưa tốt, thời gian không làm liên tục và khó khăn về kinh phí hoạt động của Trạm KTTTX…
Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, thể chế chính sách, đặc biệt là những Thông tư của Bộ GTVT (kể cả văn bản mới ban hành) nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, lái xe, những người thực thi công vụ, để dễ hiểu, dễ thực hiện, không gây khó khăn cho người dân, cho lái xe, doanh nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của người thực thi công vụ, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, đặc biệt là xử phạt nghiêm những người đứng đầu các nhà ga, bến cảng… để xe chở quá tải; tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đưa tin chính xác, kịp thời cũng như phát hiện tiêu cực.
Bộ trưởng giao cơ quan tham mưu Bộ GTVT khẩn trương làm văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn việc hỗ trợ bồi dưỡng cho người thực thi công vụ làm việc quá công suất; yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, lực lượng để kịp thời thay thế những người bị đình chỉ, cấm hoạt động; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát; nâng cao năng lực vận tải thuộc các lĩnh vực giao thông đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không…
Xuân Nguyên