Chiều 22/4, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 91/2009/NĐ-CP và NĐ 93/2012/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tham dự có đại diện các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI); lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Vận tải Khuất Việt Hùng đã trình bày báo cáo về tiến độ xây dựng và nội dung trọng tâm của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 91/2009/NĐ-CP và NĐ 93/2012/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Báo cáo nêu rõ các nội dung đã thực hiện trong quá trình soạn thảo Nghị định và một số nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định. Theo đó, Dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 36 điều quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc liên quan đến kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Vụ Vụ trưởng Vụ Vận tải Khuất Việt Hùng trình bày báo cáo
về tiến độ xây dựng và nội dung trọng tâm của Dự thảo Nghị định
Một số nội dung chính của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung so với Nghị định 91/2009/NĐ-CP và NĐ 93/2012/NĐ-CP của Chính phủ như: Về đối tượng thực hiện; giải thích từ ngữ; bổ sung nội dung về kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định; bổ sung quy định đối với bến xe khách, bến xe hàng; bổ sung thêm một số quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt; kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch; về kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; bổ sung quy định về cấp giấy phép kinh doanh, cấp phù hiệu đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô, có lộ trình thực hiện; bổ sung trách nhiệm của các Bộ, Ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Báo cáo cũng trình bày nhóm nội dung trọng tâm, mới, có tính ảnh hưởng rộng trong Dự thảo Nghị định, cụ thể: Về phạm vi điều chỉnh; tuyến xe buýt không được vượt quá phạm vi 02 tỉnh liền kề, trường hợp điểm đầu và điểm cuối của tuyến xe buýt thuộc đô thị đặc biệt thì không vượt quá phạm vi 03 tỉnh, thành phố; từ ngày 01/7/2016, xe taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe, lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách; từ ngày 01/7/2015, đối với xe ô tô có tải trọng thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng hoặc vận chuyển khách du lịch cần phải thông báo đến Sở GTVT các thông tin liên quan; đưa thêm một số nội dung quy định về bến xe khách, bến xe hàng; xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo hoạt động liên tục trong thời gian xe lưu thông; lộ trình lắp thiết bị giám sát hành trình; quy định về quy mô đơn vị kinh doanh vận tải; các đơn vị kinh doanh vận tải được thẩm định an toàn giao thông và cấp giấy chứng nhận an toàn giao thông theo quy định của Bộ GTVT; xây dựng nội dung riêng quy định về lái xe kinh doanh vận tải; đối tượng cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phù hiệu, biển hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải…
Báo cáo cũng đề cập đến nhóm nội dung trọng tâm còn nhiều ý kiến khác nhau, gây tranh cãi tiếp tục xin ý kiến các đơn vị liên quan và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo cuộc họp
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Nghị định mới sau khi ban hành phải khắc phục được những tồn tại, thống nhất được quan điểm, mục tiêu cũng như nguyên tắc sửa đổi. Nghị định cần tạo ra được thị trường kinh doanh vận tải bình đẳng, góp phần tái cơ cấu lại thị trường vận tải, đảm bảo công tác quản lý nhà nước được tăng cường, có hiệu quả, đảm bảo cho doanh nghiệp được tự chủ, năng động trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo cho người dân, hành khách được sử dụng dịch vụ vận tải tốt hơn với chi phí vận tải hợp lý hơn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc ở các thành phố lớn đồng thời không làm tăng chi phí, khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp. Nghị định cần thể hiện được sự phân cấp rõ ràng giữa Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, Ngành liên quan. Trong kinh doanh vận tải phải phân loại được đẳng cấp vận tải, quản lý được luồng tuyến, khắc phục được những tồn tại, bất cập, tạo sự thống nhất giữa các Bộ, Ngành có liên quan. Bộ trưởng cũng đề nghị Ban Soạn thảo phải thực sự cầu thị, tiếp thu, trao đổi các nội dung để đưa ra Nghị định thỏa mãn tối đa, thúc đẩy thị trường vận tải phát triển mạnh mẽ, lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, tạo dịch vụ tốt nhất cho người dân.
Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đều thống nhất cho rằng, Ban Soạn thảo Nghị định đã làm việc hết sức nghiêm túc, tiếp thu tối đa ý kiến của các đơn vị, có giải trình cụ thể từng ý kiến. Đồng thời, các đại biểu tham dự cũng đóng góp thêm ý kiến về các nội dung còn nhiều tranh cãi với mong muốn Nghị định mới ra đời sẽ là công cụ quản lý nhà nước hiệu quả nhưng cũng góp phần tạo thuận lợi, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban Soạn thảo tiếp tục tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết, có cả căn cứ lý luận cũng như giá trị thực tiễn của các đơn vị nhằm xây dựng được Nghị định mới nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải phát triển, tiến tới sự hài hòa hợp lý, khắc phục hoàn toàn tình trạng không quản được thì cấm. Bộ trưởng đề nghị Ban Soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu các nội dung còn tranh cãi nhằm đưa ra được Nghị định mới có chất lượng tốt nhất, giải quyết được hài hòa công tác quản lý nhà nước và lợi ích doanh nghiệp đồng thời giúp người dân có được dịch vụ tốt nhất với chi phí hợp lý nhất./.
KC