Thanh Hóa: Nhiều sai phạm trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô

Ngày 02/06/2014
Thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (xe ô tô khách, xe buýt, xe taxi) đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới công tác phục vụ; sửa chữa, bảo dưỡng, đầu tư mua xe ô tô bảo đảm chất lượng, tăng chuyến... nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều sai phạm, gây khó khăn cho nhân dân mỗi khi lựa chọn đi lại bằng xe ô tô và tiềm ẩn gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT), tai nạn giao thông.

Thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (xe ô tô khách, xe buýt, xe taxi) đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới công tác phục vụ; sửa chữa, bảo dưỡng, đầu tư mua xe ô tô bảo đảm chất lượng, tăng chuyến... nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn Tỉnh vẫn còn nhiều sai phạm, gây khó khăn cho nhân dân mỗi khi lựa chọn đi lại bằng xe ô tô và tiềm ẩn gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT), tai nạn giao thông.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 68 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô tuyến cố định, với 650 xe và 360 xe vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng; 6 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe buýt, với 214 xe hoạt động ở 15 tuyến; 11 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, với 1.554 xe. Ngoài ra, còn có hàng trăm xe của các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố hoạt động đón, trả khách trên địa bàn Tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thanh Nam, Trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT), cho biết: Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự ATGT, Sở GTVT đã và đang tăng cường công tác quản lý, siết chặt hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô. Đồng thời, chỉ đạo thanh tra GTVT tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải hành khách của các doanh nghiệp; phối hợp với lực lượng công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh những vi phạm về vận tải hành khách.

Thông qua kiểm tra, Sở GTVT Thanh Hóa chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách tuyến cố định xây dựng phương án kinh doanh, thực hiện đăng ký chất lượng với các cơ quan quản lý tuyến. Các phương tiện tham gia khai thác tuyến được cấp phù hiệu, sổ nhật trình và thực hiện kế hoạch, tần suất, biểu đồ khai thác tuyến theo đúng quy định... Để đáp ứng yêu cầu về vận tải hành khách bằng xe ô tô theo chỉ đạo của Sở GTVT, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã đầu tư mua xe ô tô chất lượng cao để thay thế những xe cũ, xuống cấp, vì vậy chất lượng vận tải hành khách từng bước được cải thiện.

Tuy các ngành có liên quan, các lực lượng chức năng, các đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, nhưng thực tế vẫn còn nhiều sai phạm trong hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô. Đại diện lãnh đạo thanh tra GTVT cho biết: Qua kiểm tra cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, phương án kinh doanh, chất lượng dịch vụ vận tải... Như 5 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định trên địa bàn huyện Triệu Sơn đều không có người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 5 điều 11 Nghị định 91/2009/NĐ-CP.

Công ty TNHH Vận tải hành khách Anh Kết không thực hiện đỗ xe ở nơi đã đăng ký; không có hồ sơ đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ vận tải hành khách, ATGT cho nhân viên phục vụ vận tải hành khách và cho nhân viên phục vụ trên xe; không thành lập bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT; không có sổ quản lý, theo dõi khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe...; không đóng bảo hiểm xã hội cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.

Hay Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ thương mại tổng hợp Khánh Duy, không quản lý, sử dụng phương tiện, lái xe của các xe đi thuê để kinh doanh vận tải, việc ký hợp đồng thuê xe của đơn vị chỉ là hình thức để xin chấp thuận khai thác tuyến và cấp phù hiệu xe; sử dụng phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe... Việc quản lý giá cước vận tải thời gian qua cũng chưa thực hiện nghiêm. Nhiều lái xe, phụ xe tăng giá cước quá cao trong các dịp nghỉ lễ gây bất bình trong nhân dân. Xe buýt thì hầu như chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư nâng cấp phương tiện đúng mức, nhiều xe quá cũ, không có điều hòa không khí, ghế và đệm ghế hư hỏng, rách nát, xe bụi bẩn nhưng không được vệ sinh... Hầu hết xe taxi phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT để tranh giành khách.

Để khắc phục những sai phạm trong hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô, Sở GTVT, các địa phương, đơn vị có liên quan cần tiếp tục phối hợp thực hiện tốt hơn việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần duy trì và đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải; thực hiện tốt việc sửa chữa, bảo dưỡng nhằm bảo đảm điều kiện kỹ thuật của phương tiện. Đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động của phương tiện vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; xây dựng và thực hiện quy chế nội bộ trong việc xử lý các lái xe có vi phạm, đặc biệt là vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe và hành trình chạy xe; tuyệt đối không thực hiện việc giao khoán trắng, cho thuê thương hiệu trong hoạt động kinh doanh vận tải. Thực hiện kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ, đột xuất cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; kiên quyết xử lý và loại bỏ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe có sử dụng chất gây nghiện, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện... Các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm xe ô tô chở khách vi phạm các quy định về vận tải hành khách, vi phạm trật tự ATGT./.

Nguồn: Báo Thanh Hóa