Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm việc với lãnh đạo các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên

Ngày 12/05/2014
Ngày 12/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã có buổi làm việc với đồng chí Lý Thái Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, đồng chí Lý Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Đàm Văn Eng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, đồng chí Nhữ Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về kết nối giao thông giữa các tỉnh.

Ngày 12/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã có buổi làm việc với đồng chí Lý Thái Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, đồng chí Lý Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Đàm Văn Eng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, đồng chí Nhữ Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về kết nối giao thông giữa các tỉnh. Cùng dự họp có lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT.


Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm việc với lãnh đạo các tỉnh
Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên

Theo đánh giá của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT về tình hình kết nối giao thông giữa các địa phương, hiện nay có 11 quốc lộ đi qua 4 tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Hầu hết các quốc lộ đạt tiêu chuẩn cấp IV, V miền núi, một số tuyến có lưu lượng lớn đạt cấp III. Kết nối giao thông đường bộ 4 tỉnh thông qua các trục quốc lộ chính sau: Trục dọc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng; trục dọc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn; trục ngang kết nối Lạng Sơn với Thái Nguyên; trục ngang kết nối Lạng Sơn với Bắc Kạn; trục ngang kết nối Lạng Sơn với Cao Bằng.

Ngoài ra, trên địa bàn 4 tỉnh có 82 tuyến đường tỉnh, chủ yếu là đường cấp V, VI miền núi; trong đó hầu hết là các tuyến đối nội, còn lại có một số tuyến đối ngoại có khả năng kết nối giữa 4 tỉnh này.

Kết nối giao thông giữa 4 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi đồng thời bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời, việc kết nối phải đảm bảo thông suốt và tuân thủ vào các quy hoạch của Chính phủ, của Bộ GTVT và các địa phương đã được phê duyệt. Việc liên kết tạo thành các trục giao thông quan trọng dựa trên kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, điều kiện địa hình và nguồn lực đầu tư do đó liên kết đường bộ vẫn là chủ yếu, còn lại đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không giữ vai trò hỗ trợ trong kết nối 4 tỉnh này.

Tại cuộc họp, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đã đề xuất phương án kết nối giao thông giữa các tỉnh. Cụ thể, kết nối theo trục dọc Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Hà Giang; trục dọc hỗ trợ vùng biên Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn - Thái Nguyên; kết nối theo trục ngang Bắc Kạn - Cao Bằng; trục ngang Bắc Giang - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Tuyên Quang; trục vành đai kết nối Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng.

Trên cơ sở đánh giá tình hình kết nối giao thông vận tải giữa các địa phương, lãnh đạo UBND các tỉnh đều nhất trí với phương án của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đưa ra.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã kiểm điểm tình hình triển khai các dự án thực hiện trên 4 tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Thứ trưởng đề nghị UBND các tỉnh phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển GTVT khảo sát, làm rõ hướng tuyến, quy mô kết nối hệ thống đường bộ; đầu tư kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, kết nối các khu công nghiệp, kết nối các tuyến quốc lộ khác để tạo thành mạng lưới; đồng thời làm giảm thiểu đầu tư.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đề nghị Vụ Kế hoạch Đầu tư, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT làm việc với 4 tỉnh để đánh giá lại thực trạng các tuyến giao thông vận tải, đưa ra lộ trình phù hợp với từng tỉnh; đề xuất tuyến kết nối giao thông với quy mô phù hợp với các giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2030 theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt…

Vũ Hoa