Bộ GTVT, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông về việc thay đổi cước 3G ảnh hưởng đến hoạt động của TBGSHT

Ngày 30/10/2013
Nhằm tìm giải pháp cho vấn đề thay đổi cước 3G ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của các doanh nghiệp cung cấp thiết bị GSHT và doanh nghiệp vận tải, sáng 30/10, Bộ GTVT phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chi hội những nhà sản xuất thiết bị GSHT đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ 3G.

Nhằm tìm giải pháp cho vấn đề thay đổi cước 3G ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của các doanh nghiệp cung cấp thiết bị GSHT và doanh nghiệp vận tải, sáng 30/10, Bộ GTVT phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chi hội những nhà sản xuất thiết bị GSHT đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ 3G.

Dự buổi làm việc có Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Đức Trung; Vụ trưởng Vụ Vận tải Khuất Việt Hùng; Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Việt Nam Thân Văn Thanh; đại diện một số cơ quan của Bộ GTVT và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông.

Bộ GTVT, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông về việc thay đổi cước 3G ảnh hưởng đến hoạt động của TBGSHT

Bộ GTVT, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông
và các doanh nghiệp viễn thông về việc thay đổi cước 3G ảnh hưởng đến hoạt động của TBGSHT

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tạ Công Thuận, Chi hội trưởng Chi hội những nhà sản xuất thiết bị GSHT đã có lý giải thêm về việc tăng cước 3G ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị GSHT. Theo đó, thiết bị GSHT cũng như máy điện thoại cần có sim gắn vào để sử dụng; thiết bị GSHT thường xuyên truyền số liệu về máy chủ. Hầu hết các thiết bị cung cấp hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp thực hiện việc nạp tiền, đóng cước thay cho doanh nghiệp vận tải nhằm đảm bảo thiết bị GSHT hoạt động 24/24h và truyền tải dữ liệu về máy chủ. Với đặc điểm của các thiết bị GSHT trên xe thường xuyên ra vào các khu vực có sóng và không có sóng. Vì vậy mỗi khi mất sóng và kết nối lại thì sẽ bị tính luôn 50kb đó, điều này đồng nghĩa với việc xe càng di chuyển nhiều tài khoản sim card sẽ càng mau chóng hết tiền.

Phía doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng cho biết thêm, kể từ thời điểm phải lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, thay vì chọn các gói chuyên dụng cho dịch vụ này, họ đã chủ yếu chọn gói MI10 và Laptop Easy (của Viettel). Bởi đây không chỉ là những gói cước tối ưu nhất mà còn rẻ hơn các gói khác rất nhiều.

Trước ý kiến của đại diện doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các nhà mạng VinaPhone, Mobifone và Viettel cũng đồng tình với việc sẽ tìm ra cách giải quyết nhằm hài hòa quyền lợi của đôi bên, đồng thời nghiên cứu để đưa vào gói cước 10.000 đồng/tháng nhằm áp dụng cho thiết bị GSHT.

Đại diện của Viettel cho biết, từ năm 2011, doanh nghiệp này đã cung cấp các gói cước chuyên biệt dành cho dịch vụ giám sát các phương tiện vận tải, tiêu biểu là gói V-Tracking. Sau đợt điều chỉnh giá hôm 16/10 vừa qua các gói này đều không có thay đổi, vì vậy nếu khách hàng sử dụng đúng những gói trên đều không bị ảnh hưởng.

Cùng ý kiến với Viettel, đại diện của VinaPhone lý giải, ban đầu các doanh nghiệp chọn các gói cước 3G trả trước dành cho người dùng phổ thông vì mức cước rẻ. Chính bởi vậy ở lần thay đổi giá này, mức chi phí mới bị đội lên, trái ngược hẳn với nhiều đơn vị ngay từ đầu đã chọn các gói chuyên biệt tới hiện tại đều không bị ảnh hưởng gì.

Tại cuộc họp lần này, các nhà mạng và doanh nghiệp giao thông vận tải đã đi đến thống nhất sẽ cùng phối hợp để đưa ra cách giải quyết tốt nhất, hỗ trợ đầy đủ cho những đơn vị kinh doanh đặc thù này.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết: Việc điều chỉnh giá cước từ ngày 16/10 vừa qua, chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế (các doanh nghiệp có khoảng 30% thị phần trở lên: MobiFone, Viettel và VinaPhone); còn các doanh nghiệp khác như Hanoi Telecom, Bộ không yêu cầu tăng giá cước vì đây là doanh nghiệp mới được phép bán dưới giá thành.

Ông Nguyễn Đức Trung cũng cho biết, sẽ để các doanh nghiệp vận tải và nhà mạng cùng làm việc để đưa ra giải pháp thích hợp, hài hòa quyền lợi giữa các bên.

Về phía Cục, nếu phương án điều chỉnh giá cước hoặc đưa ra gói cước mới là hợp lý và đầy đủ các thủ tục, Cục sẽ mau chóng thông qua trong thời gian ngắn nhất có thể.

Trên cơ sở trao đổi cụ thể giữa các nhà mạng cũng cấp dịch vụ và những nhà sản xuất thiết bị GSHT cũng như ý kiến đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng cảm ơn các doanh nghiệp viễn thông đã có sự quan tâm và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng yêu cầu quy định để đảm bảo TTATGT.

“Chúng tôi hi vọng giải pháp của Viettel sẽ được lãnh đạo của Viettel sớm quyết định. Đối với tất cả các doanh nghiệp viễn thông khác, chúng tôi cũng mong sớm có phương án báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Thông tin và truyền thông để có phương án chính thức áp dụng gói cước càng sớm càng tốt”- ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

Kiều Anh