Sáng 30/8, thực hiện Kế hoạch số 1136/KH-UBQPAN, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (QP&AN) của Quốc hội tổ chức phiên họp nghe Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng báo cáo, giải trình về công tác bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Tới dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn; Chủ trì phiên họp Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban QP&AN Quốc hội Nguyễn Kim Khoa và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trương Quang Khánh.

Chủ nhiệm Ủy ban QP&AN Quốc hội Nguyễn Kim Khoa chủ trì phiên họp
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng trình bày báo cáo tóm tắt công tác đảm bảo trật tự ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo Bộ trưởng, thời gian qua Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản và tổ chức triển khai thực hiện nên công tác quản lý nhà nước về vận tải bằng ô tô đã đạt được những chuyển biến rõ nét như: đã dần hoàn thiện bộ máy tổ chức, kiện toàn nhân sự trong các cơ quan quản lý nhà nước; công tác quản lý giấy phép kinh doanh vận tải ô tô, cấp phù hiệu, biển hiệu cho các đơn vị kinh doanh vận tải đã bước đầu đi vào nề nếp; mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định và xe buýt đã phát triển rộng khắp, mạng lưới bến xe được phát triển, phân bố hợp lý tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân; chất lượng phương tiện vận tải, dịch vụ vận tải hành khách trên tuyến, dịch vụ tại các bến xe ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý vận tải bằng xe ô tô. Vẫn còn 16/63 Sở GTVT chưa có phòng quản lý vận tải. Các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải chưa được điều chỉnh kịp thời dẫn đến tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh, vi phạm về tải trọng xe còn phổ biến. Công tác cấp giấy phép kinh doanh vận tải chấp thuận khai thác tuyến chưa được quan tâm đúng mức. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải còn bị buông lỏng, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách không thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Tình trạng các hợp tác xã, doanh nghiệp chỉ đứng ra làm đầu mối pháp lý mà không tổ chức thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định, việc các chủ xe cá nhân “thuê tư cách pháp nhân” của đơn vị còn diễn ra phổ biến. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng lao động với lái xe, nhân viên phục vụ để hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải trong khi người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được bảo vệ quyền lợi. Bộ phận theo dõi ATGT ở các đơn vị kinh doanh vận tải không có hoặc có chỉ là hình thức đối phó còn phổ biến.
Để khắc phục khiếm khuyết nêu trên, Bộ GTVT đã ban hành và triển khai thực hiện Thông tư số 18 ngày 6/8/2013 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải thay thế cho các thông tư trước đây. Đồng thời cũng quy định rõ nội dung xây dựng và kế hoạch đảm bảo ATGT, đăng ký chất lượng vận tải, trách nhiệm niêm yết thông tin của Sở GTVT và các đơn vị kinh doanh vận tải. Ban hành thông tư 49 ngày 12/12/2012 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe, trong đó quy định các tiêu chí cơ bản đối với từng loại bến xe và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quy trình quản lý bến xe. Bộ GTVT cũng triển khai thí điểm việc kiểm tra tải trọng xe trên một số tuyến quốc lộ quan trọng. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các Nghị định 91 và 93 theo tinh thần đưa hoạt động kinh doanh vận tải vào loại hình kinh doanh có điều kiện đặc biệt; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách ưu đãi với hoạt động vận tải hành khách công cộng.
Về công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe vận tải. Trong 2 năm qua, Bộ GTVT đã ban hành 4 Thông tư, 2 Đề án nhằm quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) góp phần giảm thiểu TNGT. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ, hiện nay đã hình thành được đội ngũ cán bộ công chức có trình độ quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Nội dung chương trình đào tạo và quy trình sát hạch được điều chỉnh phù hợp với thực tế. Công tác sát hạch được đổi mới với việc áp dụng công nghệ tự động trong sát hạch nên chất lượng đã có tiến bộ rõ rệt, giảm được tiêu cực.

Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo, giải trình trước các ĐBQH
Đối với công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô kinh doanh vận tải đường bộ. Trong 2 năm vừa qua Bộ GTVT đã ban hành 07 Thông tư và các quy chuẩn, tiêu chuẩn, Đề án để nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm, thực hiện cải cách các thủ tục hành chính theo hướng giảm tối đa thủ tục cho chủ phương tiện và lái xe. Công tác xây dựng đội ngũ đăng kiểm viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tư cách tác phong và đạo đức tốt được quan tâm. Các trung tâm đăng kiểm đã được nối mạng và giám sát camera trên cả nước. Tỉ lệ xe đăng kiểm đạt lần 1 chiếm khoảng 80%, xe không đạt phải sửa chữa và kiểm định lại chiếm khoảng 20%. Công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với các đơn vị đăng kiểm được tiến hành thường xuyên. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2013 Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phát hiện sai phạm và đình chỉ chức danh, thu hồi thẻ đăng kiểm viên đối với 15 đăng kiểm viên (trong đó có 02 lãnh đạo trung tâm và 04 trưởng dây chuyền kiểm định). Các đơn vị đăng kiểm đã chủ động thu thập, nắm bắt thông tin về các vụ TNGT trên địa bàn và phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, giám định tai nạn.
Về công tác thanh tra, kiểm tra về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Phát hiện những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải, Bộ đã thành lập nhiều đoàn thanh tra, xử lý các vi phạm hành chính về kinh doanh vận tải. Qua đợt thanh tra 21 tỉnh, thành phố tiến hành trong tháng 7 và tháng 8/2013 kiểm tra tại 82 đơn vị kinh doanh vận tải đã tước, đình chỉ sử dụng giấy phép 35 đơn vị (chiếm 43%), thu hồi giấy phép kinh doanh 25 đơn vị (chiếm 30%), trong đó vi phạm của các hợp tác xã kinh doanh vận tải chiếm tỉ lệ cao. Đợt thanh tra cũng chỉ ra nhiều bất cập, thiếu sót trong công tác quản lý vận tải ở địa phương như: công tác thanh kiểm tra còn tập trung nhiều vào việc phát hiện hành vi vi phạm của lái xe chưa đi sâu vào các điều kiện kinh doanh vận tải, việc xử lý vi phạm hành chính chưa kiên quyết. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho đơn vị kinh doanh vận tải container, tỉ lệ cấp phép chỉ đạt khoảng 5% đơn vị và khoảng 10% xe.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương phải vào cuộc để chấn chỉnh tăng cường quản lý nhà nước về quản lý vận tải; kiến nghị các địa phương xử lý theo thẩm quyền những cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý về vận tải. Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiểm tra 42 tỉnh còn lại và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm đồng thời đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra liên ngành cấp tỉnh tiến hành kiểm tra toàn diện đối với các đơn vị kinh doanh vận tải.
Trả lời các câu hỏi của các đại biểu Ngô Văn Hùng, Trần Đình Thu về việc: "Hiện nay còn tồn tại những bất cập, thiếu sót trong kiểm soát được sức khỏe lái xe, việc kiểm soát chất lượng công tác đào tạo lái xe và các trung tâm đào tạo lái xe. Đặc biệt, những lộn xộn tại các bến xe, qui hoạch các bến xe, tình trạng bến cóc xe dù, người dân không vào bến khiến tình hình hoạt động vận tải diễn ra lộn xộn; Hạn chế trong việc xử lý xe quá tải. Bộ GTVT đã có kế hoạch, phương án gì chưa để chấm dứt tình trạng kéo dài này?"
Về vấn đề này Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Hoạt động kinh doanh vận tải có nhiều tồn tại do nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế qua thanh tra kiểm tra vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập và cần phải sửa đổi bổ sung các qui định trong NĐ 91, 93. Cụ thể cần có sự qui định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, trung ương làm gì, địa phương làm gì. Thứ hai, cần qui định trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp. Từ trước tới nay, chúng ta chủ yếu đổ lỗi cho lái xe mà không qui trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ kinh doanh vận tải. Đây là những cái trong luật chưa có qui định. Vì vậy trong thời gian tới chúng tôi sẽ đưa vào để đáp ứng thực tế và làm cụ thể, rõ hơn…
Việc cấp GPKD vận tải, qua kiểm tra cho thấy, nhiều DN đủ hết hồ sơ nhưng khi hoạt động lại không đáp ứng đúng, đủ như hồ sơ đăng ký. Thời gian tới sẽ siết chặt hơn trong công tác quản lý. Đặc biệt sẽ chú trọng quản lý đến việc bảo đảm ATGT từ chính các doanh nghiệp vận tải vốn xưa nay còn buông lỏng. Đặc biệt, yêu cầu các địa phương nâng cao việc quản lý nhiệm vụ bảo đảm ATGT, xử lý nghiêm theo pháp luật. Trong các văn bản qui phạm pháp luật thời gian tới, sẽ ghi rõ trách nhiệm của từng đơn vị, tổ chức…
Chẳng hạn, cần qui định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lái xe, người lao động trong việc ký hợp đồng, không được khoán trắng cho lái xe. Làm sao để chấm dứt tình trạng lái xe tự do hoạt động, tự tổ chức kinh doanh, thậm chí HTX chỉ là đầu mối còn lại toàn là xe cá thể đưa vào, tiến tới sẽ cụ thể các qui định này…
Về trách nhiệm trong các vụ TNGT, có thể nói, nguyên nhân xuất phát từ tình trạng các chủ doanh nghiệp quản lý còn lỏng lẻo, hành vi của lái xe cần chú ý, nhưng trước hết phải hiểu đó là trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Khi có TNGT nghiêm trọng xảy ra, chúng tôi bao giờ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ rà soát các vấn đề như: vận tải, đăng kiểm… để tìm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, việc khoán hết cho lái xe là nguyên nhân lớn, trước hết đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ phương tiện. Vì vậy, cần có sự sửa đổi các qui định tại Nghị định 91, 93 và ban hành mới các thông tư…
Về tình trạng chở quá tải trọng xe đang là vấn đề nhức nhối. Bộ GTVT đã yêu cầu triển khai các trạm cân cố định và cả các trạm di động. Tuy nhiên, việc kiểm soát này không chỉ nhằm xử lý lái xe mà còn nhằm xử lý chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện. Đối với vấn đề này cần có những giải pháp hết sức đồng bộ, nghiêm minh, công bằng, công khai, không tiêu cực để lái xe và chủ phương tiện không vi phạm. Sắp tới, các tỉnh đã được trang bị trạm cân sẽ đồng loạt triển khai.
Công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn có nhiều sơ hở, trước hết là trách nhiệm của Bộ GTVT. Nội dung chưa phù hợp, đầy đủ. Sát hạch còn tiêu cực. Đấy là trách nhiệm trong qui hoạch, xây dựng chiến lược, thực hiện các công việc bài bản… Công tác xã hội hóa đào tạo lái xe dẫn đến có tình trạng hạ học phí xuống để cạnh tranh khiến chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng. Tiến tới sẽ có qui hoạch các trung tâm đào tạo lái xe, tạo mục tiêu để các trung tâm đào tạo lái xe cho người dân chứ không phải để người dân vào đây để có bằng lái xe. Quan điểm của chúng tôi là không làm tăng chi phí không cần thiết cho người dân khi học và thi GPLX nhưng phải học tăng lên, chúng tôi đưa công nghệ sát hạch, công nghệ thông tin, để kiểm soát hoạt động này..
Việc quản lý các bến xe cũng có nhiều bất cập trong đó có nhiều nguyên nhân trong đó các địa phương chưa làm tốt công tác qui hoạch các bến xe, chưa có sự điều chỉnh kịp thời, có tiêu cực giữa xe vào - ra vào bến, các giải pháp chưa đủ mạnh, kịp thời. Tiến tới Bộ GTVT sẽ rà soát đưa ra các bộ qui chuẩn theo hướng hiện đại, đưa các các tiêu chuẩn đối với từng bến xe, xử lý mạnh đối với cơ quan quản lý địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư bến xe. Có những bến xe tư nhân họ làm tốt, đẹp như sân bay. Vì vậy, cần có cơ chế để khuyến khích…
Đối với việc kiểm soát sức khỏe người lái xe, đến nay chưa có các chế tài, Nhiều trường hợp lái xe còn nghiện hút, sắp tới Bộ GTVT và Y tế ký chương trình phối hợp thực hiện việc quản lý đối với lái xe, đặc biệt là xe khách và container. Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo thông tư về qui định sức khỏe với người dân và đang xin ý kiến rộng rãi của xã hội.
Về điều tra, xử lý TNGT là trách nhiệm của Cơ quan công an nhưng Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ. Các vụ TNGT xảy ra, chúng tôi yêu cầu các cơ quan liên quan phải có sự phối hợp làm rõ. Đối với trung tâm đào tạo lái xe nào có nhiều người gây tai nạn thì chúng tôi cũng có những biện pháp xử lý, thậm chí dừng hoạt động.
Đối với các câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Hoa Sinh, Hồ Trọng Ngũ, Nguyễn Hữu Hùng về việc: Các trung tâm đăng kiểm không có trách nhiệm gì đối với các vụ TNGT, chưa có trách nhiệm liên đới trong các vụ án TNGT. Trước thực trạng doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe, Bộ có biện pháp gì trong thời gian tới. Đặc biệt những sự cố xe quá tải cố tình vượt trạm cần tại Hà Tĩnh vừa qua thể hiện sự thiếu quyết liệt, phối hợp thiếu chặt chẽ, phải chăng chúng ta bất lực?. Chúng ta có sự phối hợp để xử lý các vấn đề này như thế nào? Làm thế nào để tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong việc quản lý đội ngũ lái xe? Đặc biệt, việc xây dựng những giải pháp mang tính lâu dài trong công tác tuyên truyền chưa tốt, cần cho biết thêm làm sao để làm chuyển biến nhận thức của lái xe, doanh nghiệp?".
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: Việc triển khai qui hoạch hoạt động vận tải chưa đồng bộ, hiện nay 90% lưu lượng dồn về vận tải đường bộ. Vì vậy chúng tôi sẽ phê duyệt lại chiến lược vận tải để có qui hoạch đồng bộ, giảm tải cho đường bộ. Để làm được việc này cần đầu tư hệ thống giao thông một cách đồng bộ các loại hình vận tải khác nữa. Về lâu dài sẽ nghiên cứu các chính sách vận tải một cách đồng bộ từ đường bộ, hàng không, đường thủy, hàng hải… để phát triển hài hòa các loại hình vận tải.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp rất nhỏ, thậm chí chỉ có một lái xe. Vì vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền đến với các lái xe này. Việc tuyên truyền chính là đảm bảo sự bền vững. Tuy nhiên nhận thức tốt mà xử lý không nghiêm thì cũng không đạt được hiệu quả. Chính vì vậy, ngoài việc phải nâng cao nhận thức thì cũng cần phải nâng cao việc thực thi công vụ của cơ quan thực thi nhà nước.
Về trạm cân, đây là vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng vào bảo đảm ATGT. Trước đây do có hiện tượng tiêu cực nên đã xóa hết các trạm cân gây nên tình trạng phá hoại đường bộ do xe quá tải nghiêm trọng. Sắp tới Bộ sẽ triển khai qui hoạch các trạm cân cố định và triển khai các trạm cân di động. Để thực hiện việc này như tôi đã nói sẽ xây dựng một loạt các qui định cụ thể, đặc biệt nhắm đến chủ phương tiện, doanh nghiệp là cái gốc của các vi phạm về tải trọng.
Về bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông. Đây là vấn đề hàng đầu. Chúng tôi sẽ đưa nhiều tiêu chí hơn về bảo đảm ATGT. Sắp tới chúng tôi sẽ hoàn thiện các văn bản pháp luật theo hướng nâng cao khả năng, không phát sinh chi phí, không làm khó doanh nghiệp. Làm sao bớt chi phí cho doanh nghiệp, lái xe để cuối cùng người dân được hưởng. Tiếp đó cần cải cách thủ tục hành chính để giảm bớt sự nhiêu khê, khó khăn, chi phí. Tiến tới chúng tôi đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu quản lý hoạt động vận tải đường bộ để quản lý toàn bộ hoạt động vận tải trong cả nước, quản lý toàn bộ lượng hàng hóa vận chuyển, đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, đưa vào việc xếp hạng vận tải để người dân có thể lựa chọn cho mình loại hình vận tải phù hợp nhất, tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên…
Hiện nay chúng tôi đã quản ký đăng kiểm tương đối tốt, mặc dù còn tiêu cực. Hiện chúng tôi đang xây dựng các qui định cụ thể đối với chủ phương tiện, lái xe trong việc bảo dưỡng định kỳ đối với phương tiện.
Về việc thực hiện xử lý xe quá tải chưa tốt xảy ra tại một số địa phương, theo tôi chủ trương đúng nhưng cách làm chưa tốt giữa lực lượng chức năng với chính quyền địa phương như: phổ biến, tuyên truyền, vị trí đặt trạm… Tuy nhiên cần xác định, trách nhiệm xử lý xe quá tải là trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên cần thấy, có nhiều địa phương còn có ý nghĩ, việc kiểm soát tải trọng sẽ gây khó khăn cho phát triển KT- XH địa phương. Qua kiểm tra cho thấy có đến 60 - 70% xe chỏ quá tải, thậm chí chở gấp đôi, gấp ba lần tải trọng cho phép thì không thể đường sá nào chịu nổi. Cần phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong việc thực hiện kiểm soát tải trọng, của lực lượng thực hiện cân tải trọng. Tiến tới cần tập trung giám sát chủ phương tiện vì không ai kiểm soát việc nay tốt hơn người ký hợp đồng lao động, ký hợp đồng hàng hóa. Nếu làm nghiêm, theo dõi thiết bị giám sát hành trình thì lái xe sai phạm sẽ bị xử lý ngay. Tuy nhiên, ý thức của lái xe, chủ phương tiện cần phải có thời gian để chuyển biến nhưng trách nhiệm của các cơ quan thực thi công vụ cần nâng cao hơn.
Về các câu hỏi của các đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Lê Như Tiến, Nguyễn Anh Sơn về việc: Bộ trưởng đã xử lý cơ sở đào tạo, sát hạch GPLX vi phạm thế nào? Hiện 16 Sở GTVT không có phòng quản lý vận tải có phải là họ nói không với quản lý vận tải. Thời gian qua vai trò, thể hiện của thanh tra giao thông (TTGT) mờ nhạt trong khi CSGT nổi trội trên đường. Với khó khăn hiện nay nếu doanh nghiệp chấp hành đúng qui định thì không có lãi nên buộc phải vi phạm thì mới sống được, quan điểm của Bộ trưởng thế nào?
Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Đối với việc xử lý các kết quả kiểm tra. Trong 6 tháng đầu năm đến nay Bộ đã kiểm tra và đã phát hiện, xử lý 18 cơ sở vi phạm. Từ ngày 01/7/2013 đến nay, qua kiểm tra đột xuất công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, các đoàn kiểm tra đã đình chỉ sát hạch lái xe ô tô đối với Hội đồng sát hạch Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh. Đã công khai tất cả các trường hợp vi phạm trên trang Web của Bộ GTVT.
Về câu hỏi 16 Sở không có Phòng Quản lý vận tải là không quản lý vận tải, Bộ trưởng Thăng cho biết: Không phải 16 Sở GTVT không có bộ phận quản lý vận tải là không thực hiện nhiệm vụ này mà họ kiêm nhiệm. Chúng tôi đã có ý kiến với các địa phương nhưng vẫn chưa được khắc phục. Đây là lĩnh vực rất quan trọng nhưng lại không có bộ phận chuyên trách quản lý.
Về ý kiến cho rằng lực lượng TTGT mờ nhạt trên đường thì TTGT chủ yếu bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, còn chức năng xử phạt là của CSGT.
Về việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, Bộ GTVT đã xử lý nhiều trường hợp cả về những vi phạm lẫn những yếu kém trong quản lý điều hành chứ không chỉ 2 trường hợp như đại biểu Tiến cho biết. Chúng tôi không bao che những sai phạm. Tuy nhiên những vấn đề xử lý cần đúng qui trình và qui định pháp luật.
Về ý kiến cho rằng, phải vi phạm thì doanh nghiệp vận tải mới “sống” được theo tôi là chưa hoàn toàn đúng. Thực tế có nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, biết xây dựng thương hiệu và chấp hành tốt các qui định vẫn làm ăn có lãi. Chúng tôi đang tiến tới việc khuyến khích phát huy các loại hình vận tải khác như: vận tải biển, đường sắt, đường thủy để giảm chi phí vận tải đường bộ hiện đang ở mức cao. Đối với các doanh nghiệp vận tải đường bộ, tiến tới việc kinh doanh vận tải phải đi vào nề nếp. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ tăng cường các biện pháp quản lý, siết chặt các điều kiện tuy nhiên theo chủ trường là không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, các hoạt động quản lý phải góp phần giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và lái xe kinh doanh tốt hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn kết luận phiên chất vấn, giải trình
Kết luận phiên chất vấn, giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn ghi nhận và đánh giá cao: Ủy ban AN&QP đã tích cực, chủ động tổ chức phiên giải trình, đánh giá tốt việc nêu những câu hỏi của các vị đại biểu QH; nhất là phần giải trình cụ thể, rõ ràng thể hiện tình thần trách nhiệm và cầu thị của Bộ trưởng Đinh La Thăng và các bộ, ngành liên quan. Đây là vấn đề luôn được quan tâm trong đời sống CT - XH của cả nước. Với nội dung giải trình về Công tác đảm bảo TTATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh thời gian qua đã xảy ra nhiều vị TNGT thảm khốc, phần lớn là đối với xe chở khách.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan đã rất nỗ lực trong công tác đảm bảo TTATGT, trong đó có đảm bảo TTATGT trong hoạt động kinh doanh bằng ô tô. Tuy nhiên, qua phương tiện thông tin đại chúng, qua các báo cáo và những câu hỏi đặt ra trong phiên giải trình hôm nay, cho thấy sự quan tâm của xã hội nói chung và của các vị đại biểu quốc hội rói riêng trong lĩnh vực này là rất lớn.
Qua các ý kiến của các đại biểu, thì nguyên nhân chính của TNGT thảm khốc gần đây trong hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô là do lái xe, các cơ sở kinh doanh vi phạm các quy tắc về ATGT; quản lý nhà nước về hoạt động vận tải bị buông lỏng, hiệu lực của công tác tác tuần tra, xử lý vi phạm còn hạn chế.
Để khắc phục tình trạng này, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trước mắt: Bộ GTVT cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh vận tải trong đó đặc biệt là quy định về điều kiện kinh doanh bảo đảm chặt chẽ, tránh bị lợi dụng kẽ hở dẫn đến các tiêu cực, vi phạm pháp luật; tăng cường hướng dẫn kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong đào tạo, sát hạch GPLX; nghiên cứu xây dựng quy hoạch hệ thống vận chuyển hành khách tại các thành phố lớn, các vùng miền, chỉ đạo các địa phương quy hoạch hệ thống bến, bãi, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác vận chuyển hành khách.
Các địa phương, trong đó đặc biệt là Chủ tịch UBND các tỉnh cần tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra các cơ sở đào tạo, cơ sở kinh doanh vận tải, sắp xếp lại bến bãi, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định, có các biện pháp cần thiết để diểm tra sức khỏe đối với lái xe khách, container, taxi… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức giao thông đến người dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu quốc hội sẽ luôn ủng hộ, theo dõi và giám sát việc triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhận khuyết điểm về những tồn tại trong quản lý hoạt động vận tải trước các đại biểu quốc hội. Bộ trưởng đã cảm ơn sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban QP&AN đã tạo cơ hội cho Bộ GTVT giải trình, nhìn nhận lại thiếu sót, tồn tại để Bộ khắc phục trong thời gian tới. Bộ GTVT hứa tiếp thu đầy đủ các câu hỏi cũng là những gợi mở để điều chỉnh, hoàn thiện chính sách về quản lý nhà nước về vận tải trong thời gian tới.
Nguồn: Báo GT