Kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án đầu tư đường sắt do Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý.

Ngày 12/09/2013
Chiều ngày 12/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án đầu tư đường sắt do Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý.

Chiều ngày 12/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án đầu tư đường sắt do Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý. Dự họp có Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường; đại diện lãnh đạo các Vụ tham mưu và đại diện lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các  dự án đường sắt do Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các
dự án đường sắt do Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý.

Tại cuộc họp, Cục Đường sắt Việt Nam đã có báo cáo cụ thể về các dự án chuẩn bị đầu tư gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; Sài Gòn - Lộc Ninh; dự án đầu tư đường sắt vào cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng; dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc - Ba Vì.

Trong đó, Cục Đường sắt Việt Nam có báo cáo chi tiết về 2 dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Theo đó, dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng tại văn bản số 75/CP-CN ngày 9/1/2004, đi qua địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh. Dự án này có chiều dài 129 km với 41 km xây dựng mới và 78 km cải tạo; dự án được chia thành 4 Tiểu dự án nhỏ; dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 7.155 tỷ đồng

Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, công tác giải phóng mặt bằng ở các quận đã có chuyển biến tích cực đạt được một số kết quả; công tác mua sắm, cung cấp thiết bị đã cơ bản phù hợp với yêu cầu tiến độ dự án; công tác xây lắp đã triển khai thi công trên toàn bộ phạm vi đã có mặt bằng và có thể thi công. Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thì chất lượng các hạng mục công trình đã thi công đều đảm bảo theo yêu cầu thiết kế.

Tại cuộc họp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã có báo cáo về các dự án đầu tư đường sắt do Tổng công ty làm chủ đầu tư. Hiện nay, Tổng công ty đang quản lý và làm chủ đầu tư 26 dự án, trong đó có 13 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và 13 dự án trong giai đoạn thực hiện đầu tư.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có sự chuẩn bị báo cáo đầy đủ, chi tiết.

Đối với dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, Bộ trưởng đề nghị: Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan hoàn thành Tiều dự án 1, Hạ Long - Cái Lân và dừng các Tiểu dự án còn lại. Bộ trưởng giao cho Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan đánh giá lại khối lượng dự án; giao cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan bàn giao toàn bộ vật tư, kỹ thuật cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Đối với dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan rà soát lại hợp đồng EPC, xác định rõ nội dung, phạm vi công việc của các chủ thể tham gia dự án. Bộ trưởng cũng giao cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cùng Cục Đường sắt Việt Nam và Vụ HTQT làm việc với nhà tài trợ và tổng thầu để giải quyết các vần đề còn vướng mắc của dự án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng sẽ có buổi làm việc với thành phố Hà Nội về công tác giải phóng mặt bằng của dự án.

Về các dự án đầu tư đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý và chủ đầu tư, Bộ trưởng giao cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì buổi làm việc với Tổng công ty để rà soát lại tất cả các dự án; làm rõ nguồn vốn của các dự án để từ đó có đề xuất để xác định trình tự ưu tiên của các dự án đường sắt.

Kiều Anh