An Giang chủ động đối phó thiên tai

Ngày 22/05/2009
Ông Võ Thạnh, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn An Giang nhận định, tình hình mưa bão năm 2009 có nhiều khả năng sẽ xảy ra hiện tượng thời tiết nguy hiểm như nước biển dâng, bão mạnh, giông lốc, mưa đá, hạn hán...
Ông Võ Thạnh, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn An Giang nhận định, tình hình mưa bão năm 2009 có nhiều khả năng sẽ xảy ra hiện tượng thời tiết nguy hiểm như nước biển dâng, bão mạnh, giông lốc, mưa đá, hạn hán...
Những cơn bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta nhiều hơn và sớm hơn so với mọi năm. Tình trạng biến đổi khí hậu cũng làm cho thời tiết diễn biến phức tạp ở khu vực Châu á nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, nhân dân và chính quyền địa phương cần có kế hoạch tu bổ đê, kè, đồng thời xây dựng phương án đối phó với thiên tai.
 Theo dự báo, năm nay nước ta sẽ chịu ảnh hưởng từ 7-8 cơn bão từ. Còn trên địa bàn tỉnh An Giang, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và lượng mưa cả năm có thể ở mức cao hơn mức trung bình nhiều năm từ 10-20%, sẽ có những trận mưa lớn trong nửa cuối tháng 5 và sau đó mưa giảm dần từ đầu tháng 6. Sau các đợt ít mưa, sẽ xuất hiện với những đợt mưa lớn trên diện rộng, tập trung trong tháng 7, tháng 9 và tháng 10, nhất là trên lưu vực thượng nguồn sông Cửu Long. Sau mưa, hạn Bà Chằn sẽ xuất hiện hai đợt nắng nóng dữ dội, khả năng xảy ra vào nửa đầu tháng 6 và nửa đầu tháng 8, mỗi đợt kéo dài từ 7 -10 ngày. Tuy nhiên, mùa mưa sẽ kết thúc xấp xỉ hoặc muộn hơn, từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12-2009. Ông Thạnh cho biết, ĐBSCL là một trong 4 trung tâm sét của Việt Nam (Thái Nguyên, Hải Dương và Hà Tĩnh), vì vậy, trong mùa mưa bão trên địa bàn An Giang sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, vòi rồng, sét… Năm nay, lũ đầu mùa ở hạ nguồn sông Mê Kông (thuộc vùng đầu nguồn Tân Châu) dự báo ở mức 3m trong tháng 7, lên 3,5m trong tháng 8 và lũ chính vụ ở mức 4,3m xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.
Huyện Tân Châu – đầu nguồn sông Tiền
Thực tế trong hai tháng 3 và 4-2009, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 7 đợt mưa giông kèm lốc xoáy và sấm sét xảy ra ở 5 huyện (Tân Châu, Châu Phú, Tri Tôn, Chợ Mới và Long Xuyên) làm sập 99 căn nhà và một căn tin; xiêu vẹo và tốc mái 667 căn nhà, một phòng học, lò giết mổ gia cầm, 6 bè cá; gãy đổ ba trụ điện và một trạm phát sóng… Nghiêm trọng hơn là sét đánh chết 4 người; sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu; mất trắng 1.772m2 đất kênh Vĩnh Tế và kênh Bảy Xã buộc phải di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân.
Trước tình hình này, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB-TKCN) tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch năm 2009 với bốn mục tiêu quan trọng, trong đó việc bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân được đặt lên hàng đầu, nhất là triển khai giải pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em trong mùa lũ. Đồng thời bảo vệ an toàn sản xuất để thu hoạch trọn vẹn vụ hè thu và vụ 3, giảm thiểu số hộ di dời, không để hộ dân nào bị đói do thiên tai, hạn chế thiệt hại các công trình xây dựng cơ bản, cơ sở hạ tầng ở mức thấp nhất, duy trì bình thường các hoạt động y tế, giáo dục, giao thông… theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện và dụng cụ). Ông Đỗ Thoại Sơn, Phó Chánh Văn phòng BCH PCLB-TKCN tỉnh cảnh báo, khu vực đầu nguồn (An Phú, Tân Châu, Châu Đốc và Phú Tân) thường lũ về sớm và cao hơn, lũ lớn gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhà cửa, đường giao thông… Do vậy, sản xuất phải đúng lịch thời vụ để thu hoạch sớm,
hoàn thành các công trình chống lũ, củng cố các điểm cứu hộ, cứu nạn, nhà trẻ trước khi lũ về. Khu vực Châu Phú, Châu Thành, Long Xuyên, Thoại Sơn và Chợ Mới thì lũ thường lên chậm nhưng kéo dài và ngập sâu, chịu ảnh hưởng triều cường mạnh. Lưu ý, lũ lớn kết hợp với mưa to và triều cường gây ngập trên diện rộng, nên cần củng cố vững chắc đê bao, chuẩn bị phương án bơm tiêu chống úng để bảo vệ sản xuất, nhà cửa, cơ sở vật chất. Khu vực miền núi (Tri Tôn và Tịnh Biên) thường xảy ra mưa lớn bất ngờ và xuất hiện lũ núi gây thiệt hại lớn. Do vậy, công tác đối phó với thiên tai được chia ra ba giai đoạn. Giai đoạn trước lũ (trước ngày 15-7), các địa phương, các ngành, các cấp triển khai phương án PCLB chi tiết, có trọng tâm, trọng điểm và chủ động để giảm tối đa thiệt hại. Giai đoạn trong lũ (từ 15-7 đến 31-10) đối phó khi xảy ra lũ lớn, nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ tính mạng và tài sản cho dân, bảo vệ sản xuất, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông. Giai đoạn sau lũ (đầu tháng 11 đến tháng 12) tập trung khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân và triển khai sản xuất.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trưởng BCH PCLB-TKCN tỉnh yêu cầu công tác thông tin, dự báo tình hình mưa lũ phải chính xác, kịp thời giúp công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai hiệu quả.
DL (Theo Báo AG)