Quảng Nam: Ngành giao thông vận tải chạy đua nước rút, đảm bảo ATGT mùa mưa bão

Ngày 14/09/2012
Ngành giao thông và các địa phương tỉnh Quảng Nam đã và đang chạy đua nước rút nhằm nâng cấp, sửa chữa những tuyến đường quan trọng, bảo đảm lưu thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão.

Ngành giao thông và các địa phương tỉnh Quảng Nam đã và đang chạy đua nước rút nhằm nâng cấp, sửa chữa những tuyến đường quan trọng, bảo đảm lưu thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão.

Nhiều ngày qua, lãnh đạo và cán bộ kỹ sư các cơ quan của Sở GTVT thường xuyên túc trực tại công trường đang triển khai sửa chữa nhằm đảm bảo giao thông trên những tuyến đường tỉnh (ĐT) trong mùa mưa bão. Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn - ông Lê Văn Sinh cho biết, những đoạn được nâng cấp, sửa chữa lớn mà UBND tỉnh giao trên các tuyến ĐT609 (Điện Bàn - Đại Lộc), ĐT610B (Duy Xuyên - Điện Bàn) đã đưa vào sử dụng. Trên tuyến ĐT610, cầu Khe Le cũng được sửa chữa gần xong. Đặc biệt, tuyến ĐT616 (Tam Kỳ - Nam Trà My) đang tổ chức nâng cấp mặt đường bằng bê tông nhựa; đoạn nào thường xuyên bị ứ đọng nước, nền yếu thì thực hiện kết cấu mặt đường bê tông xi măng. Riêng tại Km66 và Km90, hạng mục khắc phục đoạn hư hỏng nặng do mưa lũ năm 2011 đã tiến hành xong khoảng 40% khối lượng. Đơn vị luôn cử người bám sát trên công trường, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, cố gắng thực hiện cơ bản đảm bảo cho người dân đi lại an toàn.

Hạng mục sửa chữa, đảm bảo giao thông trên tuyến ĐT609B (Đại Lộc) và ĐT608 (Điện Bàn - Hội An) cũng đang được các bên liên quan gấp rút triển khai. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Quảng Nam cho biết, tuyến ĐT608 đang được nhà thầu khẩn trương mở rộng, nâng cấp mặt đường bằng bê tông nhựa đoạn Km12+006,65 - Km13+642,18. Việc sửa chữa, nâng cấp mặt đường hiện trạng tuyến ĐT609B (đoạn từ trường Nguyễn Trãi đến chợ Quảng Huế), đến thời điểm này thảm bê tông nhựa trên 4km. Đơn vị thi công cho đào di dời ống nước máy để lắp cống thoát nước, sau đó thảm bê tông nhựa đoạn qua trước Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam, còn đoạn 430m có nền yếu chạy ngang chợ Quảng Huế cũng đang đổ bê tông xi măng. “Chúng tôi quán triệt các nhà thầu không được lơ là, phải huy động tối đa nhân lực, máy móc, phấn đấu triển khai hoàn thành trước khi mưa bão ập đến” - ông Tâm nói.

Tại công trường cầu Gò Nổi (tuyến ĐT610B), kỹ sư Trần Phước - cán bộ giám sát của Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Quảng Nam cho hay, đơn vị thi công đã đắp nền đường dẫn được khoảng 1/1,7km kết hợp cấp phối lớp 1 hơn 400m, lắp đặt 5/11 cống trên tuyến. Phần cầu chính lao xong 4 nhịp cầu, phần hạ bộ chỉ còn mố M2 đang thực hiện và sẽ xong trong tháng 9 năm nay.

Hơn nửa tháng nay, nhà thầu đang đảm nhận thi công đoạn từ Km2 - Km18 trên tuyến ĐT616 là Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam đã tập trung phần lớn trang thiết bị, xe máy thi công gần xong một nửa phần việc. Theo ông Trần Bê - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc công ty cho hay, doanh nghiệp đầu tư mua sắm mới một xe lu và một xe chuyên dụng phục vụ công tác đảm bảo giao thông cũng được điều động tham gia “chiến dịch”. Lực lượng công nhân lành nghề khoảng hơn 50 người thường xuyên túc trực thực thi nhiệm vụ. “Do mặt cắt ngang chỉ 4,5m nên để đảm bảo lưu thông vào giờ cao điểm, những đoạn nào thảm bê tông nhựa sẽ làm từ lúc 8 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau. Chúng tôi cũng thông báo rộng rãi để người dân được biết không đi lại vào khoảng thời gian trên, nhất là xe tải lớn. Ngoài ra, những tuyến ĐT và các quốc lộ 14B, 14D, 14E mà công ty đang được giao quản lý duy tu, bảo dưỡng thường xuyên thì thời điểm này khối lượng thực hiện thi công cơ bản đã xong” - ông Trần Bê nói.

Không khí “chạy đua” với mưa bão tại các địa phương cũng sôi động không kém. Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Tiên Phước - ông Dương Văn Thủ khẳng định, địa phương đã phân bổ kinh phí khoảng 2 tỷ đồng và sửa chữa xong các tuyến giao thông huyết mạch như Tiên Mỹ - Tiên Phong, Tiên Thọ - Tiên An, Tiên Kỳ - Tiên Lộc, Tiên Hà - cầu Sông Khan, đảm bảo giao thông thông suốt. Các tuyến còn lại, huyện huy động xã phát quang, khơi thông cống rãnh. Đối với Duy Xuyên, địa phương cũng hoàn thành việc sửa chữa, đảm bảo giao thông các tuyến. Trong đó, phải kể đến hạng mục gia cố ta luy tuyến đường Nam Phước - Bàn Thạch, hỗ trợ làm cầu Vạn Buồng, xây dựng đường ra bến đò Duy Tân…

Là nơi có nhiều đường huyện còn mặt đường đất, người dân luôn chịu cảnh “nắng bụi, mưa lầy”, thời gian qua, Thăng Bình cũng đã nỗ lực đầu tư xây dựng cùng với sự hỗ trợ của tỉnh. Đến thời điểm này, Thăng Bình kiên cố hóa được 26km các tuyến Tam Thăng - Bình Triều, Kế Xuyên - Bình Chánh, Hà Châu - Bình Trị và đang tiếp tục thực hiện 8km từ Bình An - Bình Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện, tuyến đường Bình Sa - Kế Xuyên chưa có nguồn lực đầu tư dù đang xuống cấp trầm trọng. Huyện đang cho sửa chữa các tuyến nào bị hư hỏng nhằm đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão với kinh phí dự kiến 1,7 tỷ đồng nhưng vẫn không thấm tháp vào đâu, nhất là với “con đường đau khổ” Bình Sa - Kế Xuyên./.

Theo báo Quảng Nam