Kiểm soát khí thải xe cơ giới: chưa cứu được môi trường

Ngày 08/07/2006
Từ 1-7-2006, xe ôtô lưu hành tại năm thành phố đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn khí thải mới Euro 2. Nhưng 16 triệu xe gắn máy hằng ngày cũng xả ra một lượng khí thải ô nhiễm không kém vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.
Từ 1-7-2006, xe ôtô lưu hành tại năm thành phố đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn khí thải mới Euro 2. Nhưng 16 triệu xe gắn máy hằng ngày cũng xả ra một lượng khí thải ô nhiễm không kém vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.
Từ 1-7, xe ôtô mang biển kiểm soát của 5 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ phải đạt tiêu chuẩn khí thải mức 1.
Với động cơ xăng, giới hạn tối đa cho phép của khí thải là không quá 4,5 CO, không quá 1.200 ppm với động cơ 4 kỳ, 7.800 ppm với động cơ 2 kỳ và 3.300 ppm với động cơ có kết cấu đặc biệt. Với động cơ diesel, giới hạn là không quá 72% HSU.
Xe không đạt chuẩn này sẽ không được các trạm đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật môi trường. Xe ôtô của các địa phương còn lại phải áp dụng tiêu chuẩn này vào 1-7-2008.
Việc áp dụng tiêu chuẩn khí xả mới với xe ôtô đang lưu hành sẽ giảm thiểu khí thải độc hại ra môi trường. Song vẫn còn nhiều bất cập.
Môi trường sạch hơn
Thời điểm 1-7 áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới, mặc dù mức tăng không đáng kể (nồng độ CO từ 6 lên 4,5) và còn xa mới đến tiêu chuẩn của các nước tiên tiến nhưng cũng đã có 7-8% ôtô rớt đăng kiểm vì khói. Ngay những chiếc xe đắt tiền, còn mới và cả các xe do người nước ngoài đang sinh sống tại VN sử dụng cũng bị rớt đăng kiểm vì không đạt tiêu chuẩn khí thải mới.
Có thể nói, với mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn, hàng rào kiểm soát nghiêm thì rõ ràng môi trường sẽ sạch hơn. Việc nâng dần tiêu chuẩn khí thải cũng là một hướng đi đúng nhằm bảo vệ môi trường đô thị.
Theo tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, ôtô sẽ ngày càng nhiều, nhất là ở các đô thị lớn. Việc tạo nền nếp quản lý khí thải, ngăn chặn ô nhiễm môi trường đang được thực hiện theo lộ trình và bước đầu có hiệu quả tốt.
Năm 2004 và 2005, nhiều xe quá niên hạn sử dụng đã được loại bỏ, bớt đi một lượng lớn khí thải độc hại cho môi trường và cũng là một bước đệm cho việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải cao hơn tại các đô thị loại 1, tiến tới áp dụng trong toàn quốc.
Những bất cập...
Tuy nhiên, nhiều chủ xe tại năm thành phố trên đã cho là không công bằng khi mà lưu hành trong năm thành phố này thường xuyên có một số lượng không nhỏ xe các thành phố và tỉnh chưa phải thực hiện tiêu chuẩn khí thải mới. Các xe này hoàn toàn có quyền xả khí theo tiêu chuẩn cũ mà không bị rớt đăng kiểm.
Xe không đạt tiêu chuẩn khí thải tăng
Tính đến hết ngày 6-7, trong số 4.469 lượt xe đến đăng kiểm tại các trạm đăng kiểm ở 5 thành phố lớn có 387 lượt xe bị "rớt" vì khói, chiếm 8,65%. Xe động cơ diesel "rớt" nhiều hơn cả và TP.HCM có tỉ lệ xe bị rớt cao nhất.
Tại Đà Nẵng, những xe bị rớt vì khí thải chủ yếu là xe tải. Do chở quá tải thường xuyên nên phải tăng nhiên liệu cho buồng đốt vì thế lượng nhiên liệu chạy không hết, khí thải thường có tỉ lệ CO cao. Theo ông Nguyễn Thanh Hoà (trú tại Phước Hoà, Hoà Vang), để khắc phục với những xe này không dễ vì chi phí đầu tư quá cao, mà thường những xe này cũng sắp hết hạn lưu hành.
Tại TP.HCM, số lượng ôtô đến đăng kiểm không đạt tiêu chuẩn về khí thải chiếm tỉ lệ khoảng 5-7%. So với thời điểm trước ngày 1.7, tỉ lệ ôtô kiểm định không đạt tiêu chuẩn khí thải tăng không đáng kể.
   

Sẽ xảy ra tình trạng các xe đăng ký tại năm thành phố lớn nhưng lại về các trạm đăng kiểm tỉnh khác đăng kiểm để né tiêu chuẩn khí thải cao. Lo ngại này đã được Cục Đăng kiểm Nam lường trước và yêu cầu các trạm đăng kiểm phải kiểm tra địa bàn đăng ký xe và kiểm định xe đúng tiêu chuẩn khí thải theo địa bàn mới được cấp chứng chỉ. Nếu phát hiện gian lận, cục sẽ xử lý nghiêm.
Một vấn đề lớn được đặt ra ở đây là không chỉ có ôtô xả khí thải ra môi trường mà cả xe máy. Hiện cả nước có đến 16 triệu xe máy (chiếm tới 96% số đầu phương tiện cơ giới đang lưu hành), trong khi chỉ có khoảng 600.000 ôtô.
Nếu tính bình quân một ôtô có dung tích xilanh là 2,5 lít, và một xe máy là 0,1 lít thì 25 xe máy sẽ tương đương một ôtô. Như vậy 16 triệu xe máy cũng sẽ xả ra một lượng khí thải bằng khoảng 640.000 ôtô. Chưa kể trong đô thị, xe máy sẽ có thời gian lăn bánh nhiều hơn vì là phương tiện cơ động của người dân.
Hình ảnh các xe máy cũ nát, xả khói đen sì, mù mịt không phải là cảnh khó gặp tại các đô thị hiện nay. Trong khi đó, lượng khí thải này chưa hề được kiểm soát và cũng không có lộ trình loại bỏ xe cũ.
Hơn nữa, lượng xe máy cũng không ngừng tăng trong khi chất lượng thì ngày càng hạ. Xe máy Trung Quốc với giá chỉ vài triệu đồng, động cơ không đủ độ kín và bền sẽ là nguồn ô nhiễm tiềm tàng trong thời gian tới.
Đã đến lúc các nhà quản lý cần tìm biện pháp kiểm soát phù hợp để giảm thiểu khí thải độc hại từ xe máy, bảo vệ môi trường một cách triệt để.
---------------------------------------------------------------------
Ông Đỗ Hữu Đức - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN: Chưa thể kiểm soát khí thải xe máy
Phải đeo khẩu trang khi đi đường vì lượng khí thải quá nhiều
   

"Ở các nước, xe máy được kiểm soát khí thải định kỳ và dán tem chứng nhận. Còn tại Việt Nam nếu áp dụng ngay có thể sẽ gây "sốc" - ông Đỗ Hữu Đức - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết khi trao đổi với phóng viên xung quanh việc kiểm soát khí thải chưa triệt để. Ông Đức cho biết:
Mức khí thải quy định trong văn bản này được xây dựng trên cơ sở kết quả các đề tài nghiên cứu, khảo sát xe ôtô vào kiểm tra trong nhiều năm qua, trên cơ sở kết quả loại bỏ các xe ôtô quá niên hạn sử dụng theo Nghị định số 23/2004/NĐ-CP cũng như trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, tiêu chuẩn của các nước trong khu vực. Mức khí thải hiện đang áp dụng quy định trong Quyết định 249/2005/QĐ-TTg tương đương với các nước trong khu vực.
+ Lộ trình kiểm soát khí thải đã, đang và sẽ được thực hiện ra sao để bảo vệ môi trường?
70% ô nhiễm không khí ở đô thị do khí thải
Khí thải từ giao thông vận tải là một nguồn gây ô nhiễm không khí, đặc biệt đối với môi trường không khí ở đô thị, nhất là các đô thị lớn.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông vận tải gây ra chiếm tỉ lệ khoảng 70%. Đường phố đô thị nước ta bị ô nhiễm do bụi, khí CO và hơi xăng dầu, phần lớn đều do hoạt động giao thông thải ra. Lưu lượng xe lớn và tình trạng kẹt xe liên tục càng làm cho ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn.
   

- Với việc triển khai Luật Môi trường năm 1994 và Nghị định số 175-CP ngày 18-10-1994, từ 1995 ta đã bắt đầu thực hiện việc kiểm soát khí thải xe ôtô.
Một bước ngoặt trong tiến trình kiểm soát khí thải cũng như bảo đảm an toàn giao thông là việc Chính phủ ban hành nghị định loại bỏ xe quá đát. Đây có thể xem như tiền đề để thực hiện những bước tiếp theo mà Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các đối tượng xe cơ giới sản xuất mới, xe nhập khẩu, xe ôtô đang lưu hành...
Đặc biệt, việc áp dụng tiêu chuẩn Euro 2 từ ngày 1-7-2007 với ôtô, xe máy sản xuất, nhập khẩu mới, chưa qua sử dụng sẽ tạo nên hàng rào kiểm soát khí thải đồng bộ từ khâu sản xuất xe cho đến khi chiếc xe bị giải bản.
+ Tại sao xe máy với số lượng lớn cũng đang xả lượng khí thải tương đương ôtô ra môi trường mà lại không được kiểm soát. Cục Đăng kiểm VN có quan tâm đến vấn đề này và dự định quản lý ra sao?
- Trong Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg cũng đã quy định từ 1-7-2007 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải tương đương với tiêu chuẩn châu Âu Euro 2 đối với xe máy sản xuất và nhập khẩu.
Đối với xe máy đang lưu hành hiện chưa thể triển khai kiểm soát khí thải vì từ khi xe máy xuất hiện đến nay, chúng ta chưa có quy định kiểm tra kỹ thuật định kỳ.
Mặt khác, với một lượng xe máy lớn như vậy nếu áp dụng hàng rào kiểm soát ngay sẽ gây ra những tác động lớn trong xã hội.
Tuy nhiên, tại điều 8 của Quyết định 249/2005/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện nay, Cục Đăng kiểm VN đang tiến hành triển khai nhiệm vụ này.
Hệ quả của ô nhiễm không khí
Y học đã ghi nhận nhiều bệnh tật đường hô hấp do môi trường không khí bị ô nhiễm: Viêm nhiễm do vi khuẩn, virus, hen, lao, dị ứng, viêm phế quản mạn, ung thư.
Ở Việt Nam, từ năm 2001-2003 đã có 4.908 trẻ em dưới 15 tuổi điều trị tại khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội vì mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí; tỷ lệ mắc hen phế quản của dân cư các quận nội thành cao gấp 1,4 lần các huyện ngoại thành.
Năm 2002-2003, tại khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ mắc hen phế quản điều trị của Hà Nội là 23,52%, cao hơn hẳn Hà Tây 6,75%; tại khoa Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai năm 2001 tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp tăng 2,1 lần so với trung bình hàng năm giai đoạn 1991-1995 và tăng 1,9 lần giai đoạn 1996-2000, trong đó bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD-chronic obstructive pulmonary disease) có chiều hướng gia tăng với tỉ lệ cao nhất là 25,2%.
Trần Hồng Hà - Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường
---------------------------------------------------------------------
Vì sao xe không đạt tiêu chuẩn khí xả?
1. Không thực hiện đầy đủ việc bảo dưỡng, sửa chữa xe theo định kỳ hoặc đưa xe vào sửa tại các cơ sở sửa chữa không có kỹ thuật viên chuyên ngành, không đủ trang thiết bị cần thiết; sử dụng phụ tùng thay thế không đúng chủng loại, chất lượng...
2. Sử dụng nhiên liệu không bảo đảm tiêu chuẩn, ví dụ để giảm chi phí về nhiên liệu đã không sử dụng nhiên liệu diesel tại các trạm bán nhiên liệu hợp pháp mà mua nhiên liệu kém phẩm chất, pha thêm dầu madút... trôi nổi trên thị trường.
3. Hiệu chỉnh sai bơm cao áp hoặc nới vít hạn chế lượng nhiên liệu phun nhằm mục đích tăng công suất động cơ, nâng tải cho xe dẫn tới thừa nhiên liệu, cháy không hết tạo thành khói đen.
(Nguồn: Cục Đăng kiểm VN)
Theo Lao động