Ô nhiễm môi trường biển có chiều hướng tăng

Ngày 28/06/2010
Xây dựng mới và mở rộng các cảng biển và gia tăng hoạt động của tàu thuyền trên biển đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm ở vùng biển ven bờ, đặc biệt ô nhiễm dầu và sự cố tràn dầu. Ô nhiễm biển từ nguồn đất liền chiếm đến 60% các nguồn gây ô nhiễm biển.
Xây dựng mới và mở rộng các cảng biển và gia tăng hoạt động của tàu thuyền trên biển đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm ở vùng biển ven bờ, đặc biệt ô nhiễm dầu và sự cố tràn dầu. Ô nhiễm biển từ nguồn đất liền chiếm đến 60% các nguồn gây ô nhiễm biển.
Sự phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông với những “con sông chết” như sông Thị Vải, Đồng Nai, Nhuệ, Đáy, sông Cầu và phát triển các khu công nghiệp-đô thị ở vùng ven biển, đặc biệt là các cơ sở công nghiệp ven các eo, vịnh biển đang tạo ra những tác động tiêu cực trước mắt và lâu dài.
Ô nhiễm đã làm thay đổi điều kiện môi trường sống trong các hệ sinh thái, khiến cho các loài sinh vật không thể duy trì sự sống (Ảnh: Tường Vi/VFEJ)
Các chất gây ô nhiễm khác nhau ở các khu vực nói trên đều được chuyển tải ra biển thông qua các dòng sông đã làm tăng lượng phù sa và chất gây ô nhiễm biển hàng năm.
Ô nhiễm đã làm thay đổi điều kiện môi trường sống trong các hệ sinh thái, khiến cho các loài sinh vật không thể duy trì sự sống, đẩy môi trường sinh thái biển-ven biển vào tình trạng khắc nghiệt đối với tập tính sinh thái của các loài và quần thể.
Ngoài ra, các thảm họa thiên nhiên như bão, mưa lũ, ngập lụt ven biển có thể phá hủy cơ học do làm gẫy, nát san hô ở vùng rạn nông. Bão còn gây ra bùn hóa do đa số các rạn san hô ở vịnh Bắc Bộ đều nằm ở vùng đáy nông, phía ngoài có nhiều bùn; bão to gây sóng lớn làm quấy đục, đưa bùn phủ lên rạn.
Thêm vào đó, bão thường kèm mưa to làm nhạt độ muối ven bờ. Các tác động này đôi khi còn nguy hiểm hơn những phá huỷ cơ học, nó ngăn cản ánh sáng vào trong nước, ảnh hưởng tới quá trình quang hợp của tảo cộng sinh, phá vỡ cân bằng ngay trong rạn san hô. Sau bão, bùn cát phủ bên ngoài tập đoàn san hô gây chết trực tiếp.
Hậu quả của các tác động do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra rất rõ ràng, trong đó có tác động gây ra “cuộc khủng hoảng sinh thái và đa dạng sinh học biển” - nguồn tài nguyên quý giá của đất nước.
Dự báo hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh lên vùng ven biển của hai đồng bằng lớn (sông Cửu Long và sông Hồng), dải ven biển và các đảo nhỏ. Mực nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến vùng đất ngập nước ven biển Việt Nam, nghiêm trọng nhất là khu vực RNM dễ bị tổ thương ở Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Nam Ðịnh.
Mực nước biển dâng cùng với cường độ của bão sẽ làm thay đổi thành phần của trầm tích, độ mặn và mức độ ô nhiễm của nước, làm suy thoái và đe dọa sự sống còn của các rạn san hô và các loài sinh vật cộng cư trong đó.
Khi mực nước biển dâng cao, khoảng một nửa trong số 68 khu đất ngập nước sẽ bị ảnh hưởng nặng; nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào các vùng đất thấp ven biển, giết chết nhiều loài động, thực vật nước ngọt, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cung cấp cho sinh hoạt và trồng trọt của nhiều vùng ven biển. Khoảng 36 khu bảo tồn, trong đó có tám vườn quốc gia, 11 khu dự trữ thiên nhiên sẽ bị ngập.
Các ra rạn san hô là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển, là lá chắn sóng chống xói mòn bờ biển và bảo vệ rừng ngập mặn sẽ bị suy thoái do nhiệt độ nước biển tăng, đồng thời mưa nhiều làm cho nước bị ô nhiễm phù sa và có thể cả các hóa chất nông nghiệp từ cửa sông đổ vào.
Nhiệt độ tăng làm nguồn thủy, hải sản bị phân tán. Các loài cá nhiệt đới (kém giá trị kinh tế trừ cá ngừ) tăng lên, các loài cá cận nhiệt đới (giá trị kinh tế cao) giảm.
Theo VFEJ