Thuyền du lịch “xanh” composite

Ngày 04/11/2010
Thuyền du lịch, vỏ được làm bằng composite, gắn động cơ điện của Công ty liên doanh Vina Siam (Quảng Bình) được coi là thuyền du lịch “xanh” vì không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Thuyền du lịch, vỏ được làm bằng composite, gắn động cơ điện của Công ty liên doanh Vina Siam (Quảng Bình) được coi là thuyền du lịch “xanh” vì không làm ảnh hưởng đến môi trường.
 
Trong tương lai, nó sẽ thay thế các loại thuyền du lịch nhỏ chạy bằng dầu diesel ở nhiều khu vực đảo du lịch. Loại tàu thuyền chạy bằng dầu diesel đang đe dọa môi trường và cảnh quan nghiêm trọng. Sản phẩm này vừa nhận được giải sáng tạo VIFOTEC.
Vật liệu composite được sử dụng rộng rãi trong việc chế tạo các loại tàu thuyền, xuồng cỡ nhỏ, cano... do chi phí đầu tư chế tạo phương tiện bằng vật liệu này thấp hơn sản phẩm cùng loại sử dụng chất liệu bằng gỗ, nhôm hoặc thép. Bên cạnh đó, yêu cầu về tay nghề của công nhân cũng đơn giản hơn.
Vật liệu composite sử dụng cho đóng tàu, mang lại lợi ích cao, bảo dưỡng rất ít, không bị ăn mòn, han rỉ hay ảnh hưởng của môi trường nước biển. Composite cũng được sử dụng trong các tàu quân sự do tính trong suốt với rada của loại vật liệu này.
Vật liệu composite là sự kết hợp của các vật liệu nhằm phát huy các ưu điểm về tính năng kỹ thuật của các vật liệu cấu thành. Vật liệu này có khả năng chịu lực và độ cứng trên trọng lượng lớn, là loại vật liệu nhẹ so với các loại vật liệu truyền thống khác. Đây là loại vật liệu tiềm năng cho các ứng dụng trong tương lai. Đặc biệt, loại vỏ thuyền này có tuổi thọ cao, độ bền lớn.
Chiếc thuyền du lịch do Công ty liên doanh Vina Siam (Quảng Bình) chế tạo còn được gắn động cơ điện một chiều thay thế cho động cơ diesel. Các tấm pin mặt trời thiết kế trên mui thuyền có khả năng tận dụng tối đa nguồn ánh sáng lại không làm ảnh hưởng đến không gian của thuyền. Thông qua hệ thống ắc-quy, nguồn năng lượng từ pin mặt trời được cung cấp đều đặn để động cơ điện hoạt động. Do sử dụng động cơ điện một chiều nên thuyền không gây tiếng ồn. Đặc biệt, thuyền có thể tiến, lùi và dừng khẩn cấp nên tránh được tai nạn khi va chạm với thuyền khác.
Trên thuyền có hệ thống phao cứu sinh hiện đại được thiết kế bằng một túi hơi và một bình khí nén nhỏ xếp gọn với thể tích khoảng 70cc. Khi cần thiết chỉ cần ấn nút khẩn cấp hệ thống phao sẽ bung ra và bơm đầy khí với thể tích gấp 150 lần thể tích ban đầu. Mặt khác, thuyền sử dụng hệ thống ắc-quy nên chiếu sáng bằng đèn pha khi vào hang hoặc phục vụ cứu hộ cứu nạn mùa mưa bão; các đêm lễ hội có thể dùng hệ thống đèn LED, đèn compact để thắp sáng, trang trí hoặc quảng cáo, phục vụ lễ hội.
Ông Đặng Thanh Dệ, tác giả thuyền composite cho biết, ý tưởng chế tạo loại thuyền này xuất phát từ việc các thuyền máy du lịch trên dòng sông Son ở động Phong Nha đang gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trên con sông nhỏ này có tới 316 thuyền động cơ diesel, dung tích trung bình 400cc, đang thải ra rất nhiều khói độc. Ngoài ra, động cơ diesel gây tiếng ồn lớn làm ảnh hưởng đến hoạt động sinh vật sống quanh hang động.
Theo ông Dệ, Công ty Liên doanh Vina Siam đang phối hợp với Dự án Phát triển Du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông tại Quảng Bình sản xuất thử nghiệm hai thuyền với giá trị 70 triệu đồng một chiếc để so sánh, đánh giá.
Tiến tới sẽ thay thế toàn bộ 316 thuyền chạy bằng động cơ diesel tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng. Đề án này sau khi thực hiện thành công sẽ là tiền đề để triển khai rộng rãi ở nhiều nơi khác như Chùa Hương, Vịnh Hạ Long, Cát Bà, Nha Trang, Vũng Tàu.
Thangnd(theo giaothongvantai.com.vn)