Sự gia tăng xe hơi và xe máy đang khiến các con đường trở nên chật hẹp hơn, điều kiện giao thông khó khăn hơn, thậm chí là hỗn loạn. Trong khi đó vấn nạn ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn giao thông có vẻ như ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong thành phố.
Đã đến lúc cần thiết lập một hệ thống quản lý và tổ chức trong sạch, độc lập với các nhóm lợi ích trong vận hành và phát triển các đô thị.
Mất kiểm soát sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân
Trong đóng góp gần đây nhất về một hình mẫu giao thông đô thị bền vững mới, các chuyên gia ADB chỉ ra rằng, "hầu hết các thành phố ở châu Á đang ngày càng trở nên tắc nghẽn hơn, hỗn loạn hơn và điều kiện sống bị giảm sút trong những năm gần đây và những nghiên cứu cho thấy rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục". Khẳng định này có thể được kiểm chứng tại Hà Nội.
Theo khảo sát của Trung tâm Điều hành và Quản lý giao thông Hà Nội (TRAMOC), từ năm 2002 và cuộc khảo sát tiến hành năm 2010 trên phố Kim Mã, bình quân năm 2002 tuyến phố này có khoảng 203.268 lượt xe máy qua lại mỗi ngày, trong khi con số này của năm 2010 là 246.012. Số lượt xe hơi qua lại tuyến phố này năm 2002 là 14.160 lượt so với 45.120 lượt của năm 2010; số lượt xe buýt công cộng năm 2002 là 30.000 lượt đã tăng lên 48.000 lượt trong năm 2010. Sự gia tăng đáng kể lượng phương tiện tham gia giao thông này đã dẫn tới hai hậu quả nghiêm trọng là: Diện tích lòng đường mà những phương tiện này chiếm dụng tăng và sự gia tăng đáng kể lượng nhiên liệu tiêu thụ và điều này tác động trực tiếp tới chất lượng không khí trong thành phố.
Một khảo sát khác của Trung tâm Hợp tác phát triển đô thị (Pháp) đã phác họa một bức tranh khá rõ nét về tình trạng tắc nghẽn giao thông hiện nay. Trên cơ sở số liệu khảo sát của TRAMOC vào các năm 2002, 2003, 2006 và 2008 tại nhiều tuyến đường huyết mạch trong thành phố, cơ quan này cũng đã lựa chọn tuyến đường Kim Mã để tiến hành khảo sát tính toán lượng phương tiện tham gia giao thông cho cuộc khảo sát năm 2010. Các số liệu từ cuộc khảo sát này đã khẳng định, Hà Nội vẫn là một thành phố phụ thuộc vào xe máy. Sự gia tăng số người sở hữu phương tiện giao thông cá nhân có thể được thấy qua sự bùng nổ xe máy trên đường, cùng với đó là sự gia tăng đáng kể lượng xe hơi. Các con đường ở Hà Nội đã gần tới mức giới hạn tối đa. Việc giao thông trở nên đông đúc như vậy chỉ có thể là do xe máy gây nên. Nhưng hiểm họa lớn nhất lại là sự gia tăng lượng xe hơi cá nhân, vì khi tham gia giao thông chúng chiếm một diện tích lòng đường khá lớn.
Cảnh báo về hậu quả ô nhiễm môi trường
Để có được cái nhìn khác về tình trạng tắc nghẽn giao thông Trung tâm Hợp tác phát triển đô thị đã nghiên cứu hậu quả của việc sử dụng quá nhiều diện tích lòng đường và lượng nhiên liệu tiêu thụ tại 10 điểm (5 điểm nằm trên đường Vành đai 2 - Đường Lạc Long Quân, Đường Bưởi, Đường Láng, Đường Trường Chinh, Đại La, Minh Khai và 5 điểm khác). Kết quả là, dù số lượng người tham gia giao thông bằng xe hơi chỉ chiếm 4% nhưng diện tích lòng đường mà loại phương tiện này chiếm dụng lên tới 20%. Có đến 80% số người tham gia giao thông bằng xe máy trên đường và chiếm dụng 62% diện tích lòng đường. Cùng với đó, số xe máy này chiếm khoảng 70% lượng nhiên liệu tiêu thụ, trong khi con số này của xe hơi là 20%.
Ở Hà Nội, nguy cơ giao thông bị tê liệt hoàn toàn vì nạn tắc nghẽn là rất lớn. Tắc nghẽn giao thông không chỉ do sự gia tăng hay biến động của số lượng phương tiện giao thông cá nhân, mà còn do loại hình phương tiện, bao gồm rất nhiều xe hơi, vốn chiếm dụng một diện tích đáng kể trên các tuyến đường trong thành phố. Sự thất bại trong qui hoạch đường vành đai 2, vành đai 3 đang thể hiện rất rõ. Và hậu quả khôn lường về ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm không khí đang hiển hiện. Các nhà khoa học cũng cảnh báo, những khái niệm về phát triển bền vững đang có thể bị phá vỡ và trở thành những mục tiêu khác nhau, bởi những lợi ích khác nhau. Yêu cầu cần có những giải pháp mạnh và thành lập một hệ thống quản lý và tổ chức trong sạch đang đặt ra vô cùng cấp thiết. Nhưng đáng tiếc, đây lại là những yêu cầu mà thành phố chưa thể đáp ứng.
Báo TN&MT