Xu hướng vận chuyển bằng đường sắt đang ngày càng tăng do những lợi ích thiết thực của loại hình vận tải này đối với sự phát triển chung của nền KT-XH. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, ngành đường sắt cũng đang gây ra những vấn đề ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, xã hội và con người.
Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động vận tải đường sắt
Cơ sở vật chất của ngành Đường sắt tại Việt Nam trong các khối kết cấu hạ tầng, đầu máy toa xe, khai thác vận tải còn nhiều tồn tại như: thiết bị không đồng bộ, lạc hậu và trong công tác sửa chữa duy tu, thiếu biện pháp bảo vệ môi trường; Việc chuyên chở các loại hàng rời, hàng nguy hiểm... đã ảnh hưởng nhiều đến môi trường.
Trước hết phải kể đến ảnh hưởng do chất thải rắn, nước thải sinh hoạt trên các toa xe vận tải; Đặc biệt là chất thải nước thải tại các nhà ga và cơ sở sản xuất của đường sắt.
Chất thải sinh hoạt, theo số liệu khảo sát, mỗi ngày có khoảng hơn 10 tấn vẫn xả trực tiếp xuống hai bên đường sắt, gây ra các phản ứng phá hủy thiết bị dọc đường như tà vẹt, đường ray, gầm cầu.
Trong quá trình phân hủy, chất thải sẽ phát tán vào nước, bề mặt đất, nước ngầm và cả không khí những loại vi khuẩn gây bệnh tả, lị, thương hàn, viêm gan... trở thành ổ dịch bệnh nguy hiểm, truyền bệnh trực tiếp tới những cộng đồng dân cư, thậm chí là từ địa phương này đến địa phương khác dọc tuyến.
Trong quá trình vận hành, khí thải trên tầu phát sinh từ 2 nguồn chính là đầu máy và toa xe máy phát điện. Các khí thải độc hại là sản phẩm của quá trình đốt cháy các loại nhiên liệu này trong buồng máy động cơ với các chất độc hại như Cox, Sox, Nox, các loại khí... ảnh hưởng tới khứu giác, thị giác và gây các bệnh lâu dài cho chính CBCNV trong ngành và cộng đồng.
Tiếp đến là bụi bẩn, hóa chất có ảnh hưởng đến thành phần môi trường trong quá trình chuyên chở, xếp dỡ hàng rời, hàng độc hại, hàng nguy hiểm... phát sinh trên các loại toa xe H, N, M không mui, các hóa chất chở trong toa xe P (xăng dầu, axit, bazơ, chất dung môi). Tiếng ồn của đoàn tầu trong quá trình vận hành cũng là một vấn đề lớn, nó tác động trực tiếp tới hành khách trên tàu, người lao động và dân cư sinh sống tại khu vực tầu chạy qua.
Nỗ lực kiềm chế ô nhiễm môi trường
Xác định được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, Tổng Công ty ĐSVN đã có Quyết định số 1610/QĐ-ĐS về ban hành chương trình hành động bảo vệ môi trường trong ngành GTVT đường sắt.
Trong thời gian qua, nhằm giảm tiếng ồn trong hoạt động SXKD, TCT Đường sắt VN đã trang bị điều hòa, nghiên cứu và lắp đặt dần vật liệu cách âm, cách nhiệt, bằng loại giá chuyển hướng đệm lò xo không khí trên các đoàn tầu khách. Chủng loại đầu máy cũ, lạc hậu, tốn nhiên liệu được thay thế dần bằng loại đầu máy hiện đại, ít hỏng hóc, chất lượng cao, đòi hỏi về chế độ bảo dưỡng, duy tu nghiêm ngặt hơn, ít tốn nhiên liệu và sử dụng loại nhiên liệu có lượng thải khí độc ít hơn.
Tổng Công ty ĐSVN cũng đã đầu tư, nghiên cứu lắp đặt thử nghiệm thành công hệ thống vệ sinh tự hoại đã được nghiên cứu cải tiến cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam để lắp trên tầu, giải quyết bớt một phần chất thải trên toa xe xả xuống đường. Trên các đoàn tầu cũng đã đặt các thùng thu gom rác thải để tập trung xử lý đúng quy định.
Các cơ sở đóng mới đầu máy toa xe, các cơ sở sản xuất công nghiệp nghiên cứu, lắp đặt các hệ thống hút khói bụi và xử lý dầu mỡ, chất thải theo đúng quy định về bảo vệ môi trường. Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng đã nghiên cứu lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế. Một số đơn vị trong Tổng công ty cũng đã chế tạo thành công lò đốt rác đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, Tổng công ty ĐSVN đã thành lập Ban Bảo vệ môi trường và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện quyết định số 448/QĐ-BGTVT về chương trình hành động của Bộ GTVT nhằm ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái và sự cố môi trường trong hoạt động GTVT đường sắt, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đối với CBCNV ngành GTVT đường sắt. Chương trình hành động đã đề ra nhiều nhiệm vụ chính, theo nhóm để toàn ngành làm cơ sở phấn đấu và thực hiện. Trong đó có thể kể đến việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Tiếp đến là việc tăng cường công tác quản lý về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải đường sắt. Bên cạnh đó, TCT Đường sắt VN cũng triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường trong ngành Đường sắt và đặc biệt là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tăng cường nguồn lực và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong ngành GTVT đường sắt.
Báo GTVT