Báo cáo mới của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết thị phần nhiên liệu sinh học toàn cầu cho giao thông vận tải sẽ tăng từ mức 2% (hiện nay) lên 27% vào năm 2050.
Do nhu cầu nhiên liệu vận tải ngày càng tăng, nhiên liệu sinh học từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ, sẽ trở thành một trong những công nghệ then chốt để giảm khí thải và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo IEA, việc sản xuất nhiên liệu sinh học có thể được đẩy mạnh một cách bền vững nếu có công nghệ và chính sách phù hợp.
Để sản xuất nhiên liệu sinh học bền vững cần đảm bảo yêu cầu không làm ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Để nâng cao hiệu quả phương tiện và giảm khí thải trong vận tải, cần sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch dùng cho các phương tiện vận tải trên bộ cũng như các phương tiện hàng không, hàng hải và các phương thức vận tải nặng khác.
Theo IEA, công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học tiên tiến cũng như các nghiên cứu mới nhất về sản xuất một cách bền vững nhiên liệu sinh học là từ các nguồn nguyên liệu phế phẩm như gỗ và rơm….
Vào năm 2050, công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học cần tới 3 tỷ tấn nguyên liệu hữu cơ từ phế thải công nghiệp và nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu sinh học. Sự đầu tư hợp lý vào phát triển công nghệ có thể giúp nhiên liệu sinh học cạnh tranh về giá với nhiên liệu hoá thạch, thậm chí có thể sản xuất với giá rẻ hơn trong dài hạn.
Theo IEA, nguồn đầu tư phát triển nhiên liệu sinh học cần đảm bảo mục tiêu từ 11.000 tỷ USD – 13.000 tỷ USD trong 40 năm tới.
Báo cáo cũng nhấn mạnh việc giảm thuế quan cũng như các rào cản thương mại khác có sẽ thúc đẩy thương mại sinh chất và nhiên liệu sinh học để đạt tới mức có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các khu vực trên thế giới.
Để các nước đang phát triển có thể nắm được quy trình sản xuất nhiên liệu sinh học bền vững, vấn đề hợp tác quốc tế trong việc xây dựng khả năng và và chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng.
IEA cũng nhấn mạnh thị phần tăng lên của nhiên liệu sinh học được sản xuất bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, góp phần tăng cường an ninh năng lượng.
Nhiên liệu sinh học sẽ giúp ngành vận tải toàn cầu đạt mục tiêu giảm 20% tức 2,1 tỷ tấn khí thải CO2 vào năm 2050.
VTTH -Theo Báo Đất Việt