Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, các công ty ô-tô đang nỗ lực tìm kiếm những phương thức khác nhau để xe của mình “xanh” hơn, không chỉ ở động cơ mà ở mọi bộ phận trên xe.
Các nhà sản xuất ô-tô Mỹ đang tìm cách tái chế các chai nhựa bỏ đi và rác thải công nghiệp để sản xuất phụ tùng ô-tô. Các nhà sản xuất ô-tô đang tăng cường sử dụng vật liệu tái chế vào nội thất xe, bọc ghế và đệm xốp; đồng thời hợp tác với các nhà cung cấp để phát triển những sản phẩm sinh học thay cho nhựa nhân tạo.
Ngoài việc tạo ấn tượng tốt khi sử dụng vật liệu tái chế thân thiện với môi trường, các nhà sản xuất ô-tô còn tiết kiệm được chi phí tìm kiếm vật liệu “xanh” hơn để thay thế nhựa, xốp. Thêm vào đó, để có được những vật liệu bền vững mà có phẩm chất như các vật liệu truyền thống mà chúng thay thế cũng không dễ và thường đòi hỏi nỗ lực lớn của các nhà sản xuất ô-tô. Tại Mỹ, 9% thùng sữa bằng bìa các-tông, chai đựng chất tẩy quần áo của tiệm giặt ủi và các vật liệu khác có hàm lượng polyethylen cao đã được tái chế để làm ra phụ tùng ô tô, theo số liệu của Hiệp hội các nhà tái chế nhựa Mỹ. Trong khi đó, cách đây một thập kỷ, tỷ lệ này không đáng kể.
Ông David Cornell, Giám đốc kỹ thuật của Hiệp hội các nhà tái chế nhựa Mỹ cho biết, các kỹ sư vật liệu đã dùng thảm tái chế để làm đệm tay nắm cửa bên trong xe, và vải vụn làm lót trần xe. Ở mẫu Buick LaCrosse phiên bản 2010, Hãng GM đang sử dụng thùng các-tông phế liệu từ nhà máy Marion Stamping của tập đoàn ở bang Indiana (Mỹ) để chế tạo các tấm trần cách âm. Khoảng 5-10% nhựa trên xe GM có thành phần tái chế, tỷ lệ mà GM đã phải nỗ lực rất nhiều trong 5 năm qua mới có được. Hãng Chrysler cũng tận dụng sợi kim loại phế thải của các nhà máy sản xuất thảm để chế tạo ra một loại nhựa có độ bền cao dùng trong phụ tùng động cơ ở một số xe. Tại Ford, nhiều bộ phận bằng nhựa dùng trên xe được làm từ vỏ ắc-quy, lốp và chai đựng chất tẩy tái chế.
KO - (theo NASATI, Carmagazine)