Nhiên liệu sinh học đang được coi là giải pháp xanh, sạch để thay thế dầu thực tế lại tạo ra lượng khí CO2 phát thải lớn hơn sáu lần năng lượng hóa thạch, báo cáo mới của các tổ chức quốc tế cho biết.
Kết quả nghiên cứu của ba tổ chức Society for the Protection of Birds, ActionAid và Nature Kenya được đưa ra giữa thời điểm giá dầu thế giới lại một lần nữa vượt ngưỡng 100 USD/thùng, đẩy nhu cầu nhiên liệu sinh học lên cao.
Liên minh châu Âu hy vọng sẽ tăng gấp đôi lượng tiêu thụ năng lượng sinh học vào năm 2020.
Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế phân tích nhiên liệu sinh học làm từ cây jatropha được trồng tại vùng rừng Dakatcha của Kenya nhằm kiểm chứng liệu nhiên liệu từ cây này có giúp giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính so với nhiên liệu hóa thạch hay không.
“Thật đáng buồn là các quốc gia EU đang coi nhiên liệu sinh học là giải pháp xanh cho biến đổi khí hậu toàn cầu. Giống hầu hết các nhiên liệu sinh học khác, cây jatropha thực tế làm tăng lượng khí thải carbon,” chuyên gia David Barissa thuộc tổ chức ActionAid ở Keny viết trong báo cáo vừa công bố hôm 21/3.
Xem xét lượng khí thải được tạo ra trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, nghiên cứu cho thấy nhiên liệu sinh học từ cây jatropha thải ra 2,5 – 6 lần khí gây hiệu ứng nhà kính.
Khu rừng Dakatcha là nơi sinh sống của hơn 20.000 người. Đây cũng là đất tổ tiên của hai nhóm dân tộc thiểu số là Watha và Giriama.
Việc trồng cây jatropha khiến những người dân nơi đây mất đất, mất kế sinh nhai cũng như mất nơi chôn cất tổ tiên linh thiêng. “Ở Kenya, nơi hơn 10 triệu người có nguy cơ bị đói, thật là vô trách nhiệm khi phá hoại đất canh tác và nhà của họ chỉ để cung cấp nhiên liệu cho xe chạy ở châu Âu”, Barissa nói.
Các nhà hoạt động môi trường ở Kenya phản đối dự án đang kêu gọi chính phủ nước này thu hồi quyết định cho phép thực hiện các dự án nhiên liệu sinh học gây tranh cãi.
Dự án này trồng cây jatropha, mía, ngô tại những khu vực dọc bờ biển để sản xuất nhiên liệu sinh học. Những người ủng hộ dự án cho rằng dự phát triển ở đồng bằng sông Tana sẽ sản xuất ra ethanol và điện, cũng như tạo ra hàng ngàn việc làm.
Nhưng tổ chức phi chính phủ Nature Kenya nói rằng dự án này đe dọa môi trường sống của hàng trăm loài trên diện tích 20.000 ha. “Chính phủ Kenya phải có trách nhiệm ngăn cản điều này để bảo vệ người dân của mình,” Barissa nói.
Dự án trồng hoa màu để sản xuất nhiên liệu sinh học do Công ty TNHH nhiên liệu jatropha Kenya khởi xướng, với dự định thúc đẩy trồng cây jatropha – loài cây được tuyên truyền là nguồn nhiên liệu có thể thay thế nhiên liệu sinh học.
“Nhiều người đã sống ở đây nhiều thế hệ. Nếu dự án trồng jatropha được thực hiện, chúng tôi sẽ bị chiếm dụng đất đai, mất nhà, mất đồng ruộng và ngôi trường duy nhất của bọn trẻ,” Joshua Kahindi Pekeshe, một thành viên của nhóm dân tộc ít người sinh sống trong khu vực rừng sắp bị phá đi để trồng cây jatropha, nói.
“Công ty hứa tạo việc làm, xây phòng khám bệnh, đường xá và nước, nhưng điều đó thật tức cười. Khi ai đó muốn gì từ bạn, họ biết rằng họ nên hứa gì đó. Chúng tôi không tin họ vì không có văn bản nào xác nhận điều đó,” Pekeshe nói.
TRONGPV (Theo China Daily)