Kể từ tháng 1/2012, tất cả các máy bay ra vào khu vực EU sẽ phải chịu phạt nếu để lượng khí thải vượt quá mức cho phép, có khoảng hơn 4.000 hãng hàng không có thể sẽ đối mặt với án phạt của EU.
Bất chấp sự phản đối của hầu hết các thành viên trong Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, EU vẫn thông qua kế hoạch áp dụng hạn ngạch khí thải hàng không với tất cả các chuyến bay trong khu vực này. EU yêu cầu các máy bay đi và đến hoặc trong khu vực EU cần phải có quy trình, hệ thống, con người cụ thể với mô tả công việc rõ ràng; có phương pháp khoa học hợp lý; có danh mục tài liệu đi kèm... để đảm bảo xác định lượng khí thải một cách chính xác nhất. Kế hoạch giảm hạn ngạch khí thải buộc các hãng hàng không phải cắt giảm 3% lượng khí thải trong năm 2012 và 5% từ năm 2013. Các hãng hàng không có thể vượt mức hạn ngạch quy định nhưng họ sẽ phải trả phí.
Trung Quốc, Mỹ là hai quốc gia có nền công nghiệp hàng không dân dụng lớn đã cho rằng đây chỉ là điều luật mang tính đơn phương và bảo hộ. Trung Quốc cho biết ngành hàng không nước này sẽ thiệt hại 122 triệu USD/năm khi luật này được thực hiện. Ngành hàng không thế giới có khoảng 16.000 máy bay thương mại, hàng năm lượng khí CO2 tạo ra vào khoảng 600 triệu tấn, chiếm 2% tổng lượng CO2 toàn nhân loại thải ra. Các vệt khói máy bay tạo thành những đám mây li ti. Chính những đám mây này ngăn cản lượng nhiệt phát tán lên từ bề mặt trái đất. Đây là nguyên nhân chính gây lên hiện tượng ấm lên của trái đất.
Sự bùng nổ của những hãng hàng không chi phí thấp đã khiến cho hàng ngàn người có cơ hội tham gia phương tiện giao thông vốn chỉ dùng cho số ít người càng làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chỉ tính riêng Trung Quốc, số lượng hành khách đi bằng đường hàng không đã tăng vọt: Năm 1999 là 67 triệu lượt hành khách, đến năm 2014, con số nay sẽ là 214 triệu, tăng gấp đôi.
Việc làm của EU có ý nghĩa rất lớn đối với yêu cầu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế ủng hộ.
TRONGPV (Theo dangkiemoto.com)