Thuế bảo vệ môi trường của xăng dầu có thể bằng phí hiện hành

Ngày 14/07/2011
Tờ trình về dự án nghị quyết ban hành biểu thuế bảo vệ môi trường đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 42, sáng 13/7.
Tờ trình về dự án nghị quyết ban hành biểu thuế bảo vệ môi trường đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 42, sáng 13/7. Đây là việc làm nhằm triển khai thi hành Luật Thuế bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Theo luật thuế mới này, đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường gồm: xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi nilông thuộc diện chịu thuế; thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản và thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Bảo vệ môi trường là loại thuế mới được áp dụng, vì vậy mức thu cho từng hàng hóa chịu thuế được xây dựng đảm bảo không gây tác động lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, có thời gian nhất định để tạo thói quen của người nộp thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh giải thích. Theo đó, nhiều mặt hàng được áp thuế ở mức sàn của khung. Riêng với xăng, dầu, mỡ nhờn (gồm: xăng, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn) hiện đang chịu phí xăng dầu, khi Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực sẽ không thu phí mà chuyển sang thu thuế với mức bằng mức phí hiện hành. Cụ thể, xăng, nhiên liệu bay có mức 1.000 đồng/lít, dầu diesel 500 đồng/lít; dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn là 300 đồng/lít; mỡ nhờn 300 đồng/kg. Việc “giữ nguyên” được Chính phủ giải thích là để “ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, không gây tác động lớn đến sản xuất và đời sống xã hội”. Trong bối cảnh của năm 2011 kinh tế vĩ mô còn nhiều yếu tố biến động, giá xăng dầu biến động khó lường và đang ở mức cao, nguy cơ lạm phát cao còn tiềm ẩn, cùng với việc tiếp tục thực hiện dần cơ chế giá thị trường đối với than, xăng dầu. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách đồng tình với mức thuế này. Song, đối với than đá, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị điều chỉnh mức thuế theo hướng tăng hơn so với dự thảo từ 5.000đồng đến 10.000 đồng /tấn, thay vì áp dụng theo mức sàn của khung thuế (từ 10 – 20 nghìn đồng/tấn tùy loại). Với lý do, than là sản phẩm gây ô nhiễm nặng cho môi trường, phạm vi sử dụng than hiện nay là khá phổ biến với khối lượng gần 30 triệu tấn/năm. Ngoài ra, việc khai thác bừa bãi than đã hủy hoại môi trường, dẫn đến tài nguyên này ngày một cạn kiệt, gần đây nhiều doanh nghiệp đã phải nhập khẩu than với khối lượng lớn. Được cơ quan thẩm tra cho là hợp lý là mức thuế suất đối với mặt hàng túi nhựa xốp (túi ni lông) 40.000đồng/kg (khung thuế suất là 30.000-50.000đồng/kg). Mức thu này bằng khoảng 130% giá bán hiện hành của loại túi này. Với các hàng hóa còn lại, Chính phủ đề nghị quy định ở mức sàn của khung thuế và được cơ quan thẩm tra cho là hợp lý trong điều kiện hiện nay. Còn về lâu dài cần xem xét điều chỉnh xem xét điều chỉnh tương ứng với mức độ độc hại. Tuy nhiên, tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng nếu chỉ điều chỉnh theo mức độ độc hại thì không đủ, vì mọi thứ thuế đều ảnh hưởng qua giá, và đều "đổ vào dân cả". Do còn có những ý kiến, đề nghị khác nhau nên dự thảo Nghị quyết ban hành Biểu thuế bảo vệ môi trường dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét thông qua vào buổi họp sáng 14/7.
KO (Theo VnEconomy)