Ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường

Ngày 06/08/2012
Hệ thống giao thông đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay, tiêu biểu là Hà Nội và TPHCM, cần được quan tâm cải tiến theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Bởi lẽ những tồn tại từ nó, đặc biệt là hiện tượng ùn tắc giao thông đang gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng.

Phát biểu tại Hội thảo “Ngày không khói xe ô tô” (Car Free Day) tại Việt Nam do Trường Đại học GTVT TPHCM tổ chức ngày 26-7-2012, PGS-TS. Nguyễn Bá Hoàng, Trường Đại học GTVT TPHCM cho rằng hệ thống giao thông đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay, tiêu biểu là Hà Nội và TPHCM, cần được quan tâm cải tiến theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Bởi lẽ những tồn tại từ nó, đặc biệt là hiện tượng ùn tắc giao thông đang gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng.

Thiệt hại kinh tế khổng lồ

Theo số liệu sơ bộ của Trung tâm Nghiên cứu cuộc sống phát triển bền vững (CSDP), chỉ riêng TP Hà Nội, chi phí tăng thêm do tiêu hao nhiên liệu và lãng phí công lao động vì ùn tắc giao thông ở nội thành khoảng 36,4 tỷ VNĐ/ngày (12.812 tỷ VNĐ/năm, tương đương khoảng 600 triệu USD/năm). Còn tại TPHCM, theo ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, mỗi năm thành phố thiệt hại khoảng 170 tỷ đồng do ùn tắc giao thông. Có thể thấy, ùn tắc giao thông đang gây thiệt hại không nhỏ cho sự phát triển kinh tế quốc gia, giảm hiệu suất lao động và tăng các chi phí không cần thiết trong quá trình sản xuất. Trong bối cảnh kinh tế giảm phát và khó khăn như hiện nay, lãng phí trong giao thông lại đặt thêm một gánh nặng đối với đời sống kinh tế của người dân. Có thể thấy các thành phố lớn ở Việt Nam đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu là do khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Một lượng không nhỏ các phương tiện giao thông ở TPHCM hiện nay có chất lượng khí thải không đạt tiêu chuẩn, trong khi đó hiện tượng ùn tắc giao thông lại làm tăng đáng kể lượng khí thải phát ra từ các phương tiện này. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của một nhóm nghiên cứu gồm nhiều nhà khoa học đến từ các trung tâm nghiên cứu về môi trường (Trung tâm Luật và chính sách môi trường Đại học Yale, Mỹ; Trung tâm Hợp tác nghiên cứu của Ủy ban châu Âu; Trung tâm Quốc tế mạng lưới thông tin khoa học Trái đất của Đại học Columbia, Mỹ) thì chỉ số chất lượng môi trường (EPI – Environment Performance Index) Việt Nam đang dần rơi vào cuối bảng của nhóm trung bình, xếp 79 trên 132 quốc gia. Trong đó, riêng về chất lượng không khí, nước ta xếp thứ 123. Cũng theo thống kê của nhóm nghiên cứu trên, chỉ số chất lượng không khí (ảnh hưởng đến sức khỏe con người) của Việt Nam đang rất thấp (31) và ngày càng giảm so với năm 2000 (43,1). Từ số liệu trên cho thấy Việt Nam đang đứng trước vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ngày càng có dấu hiệu tồi tệ hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, gây ra các chứng bệnh về hô hấp. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, những sản phụ sống ở đô thị có không khí bị ô nhiễm có nguy cơ sinh non cao hơn sản phụ bình thường đến 30%. Phát triển hệ thống giao thông thân thiện môi trường

Theo ông Shinichi Mochizuki, Điều phối viên tại Nhật Bản của Ủy ban châu Âu trong chương trình “Ngày không khói xe ô tô” (CFD), để giải quyết các vấn đề phát sinh do tắc nghẽn giao thông ở Việt Nam hiện nay cần nhiều biện pháp đồng bộ, quan trọng là cần có chính sách phát triển hệ thống giao thông đô thị thân thiện với môi trường. Các giải pháp ông Shinichi đưa ra cho vấn đề này là đẩy mạnh sự phát triển của giao thông công cộng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện ngầm, xe điện, xe đạp và hệ thống đường sắt. Bên cạnh đó, đối với giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và tiếng ồn do giao thông đô thị gây ra, ông Shinichi cũng khuyến nghị Việt Nam nên chú trọng hơn đến phát triển không gian công cộng. Việc lưu thông trong các khu vực trung tâm đô thị, với cự li ngắn không nên chỉ lệ thuộc vào các phương tiện cơ giới, nên có các tuyến đường hoặc khu vực cấm ô tô lưu thông, tạo nên các khu phố dành riêng cho người đi bộ, các loại phương tiện không dùng xăng như xe đạp, xe đạp điện. Đồng thời nhà nước và các cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn nữa các tiêu chuẩn về khí thải, tiếng ồn của các phương tiện giao thông, tiêu chuẩn xăng dầu cũng như tăng cường kiểm tra việc áp dụng các tiêu chuẩn này.
Cườnghm - theo www.sggp.org.vn