Các hãng xe Đức, Pháp và Ý bất đồng về đề xuất thắt chặt khí thải của EU

Ngày 14/09/2012
Các hãng xe Đức muốn tính toán giới hạn khí thải theo khối lượng của xe nhưng các đối thủ Pháp và Ý sẽ gặp nhiều bất lợi nếu theo cách tính này.
Các hãng xe Đức muốn tính toán giới hạn khí thải theo khối lượng của xe nhưng các đối thủ Pháp và Ý sẽ gặp nhiều bất lợi nếu theo cách tính này. Ủy ban châu Âu EU muốn hối thúc một mục tiêu tới năm 2020 là giảm lượng khí thải CO2 xuống mức trung bình 95g/km tương đương với mức tiêu thụ nhiên liệu 3,6 lít/100km. Đây là một động thái tiếp theo sau khi EU đã gần như sắp hoàn tất một lộ trình cắt giảm khí thải bắt buộc xuống còn 130g/km vào năm 2015. EU và các nguồn tin đã khẳng định rằng các nhà sản xuất xe hơi Đức như Volkswagen, BMW và Daimler đã vận động cho một tính toán dựa trên khối lượng của xe, có nghĩa là họ chỉ phải gánh vác trách nhiệm môi trường nhỏ hơn, trong khi các nhà sản xuất những chiếc xe nhẹ hơn như Renault, PSA/Peugeot-Citroen và Fiat phải gánh vác trách nhiệm môi trường nhiều hơn. Trách nhiệm cuối cùng được quy ra tiền và đánh thẳng vào giá xe và túi tiền người tiêu dùng dưới dạng thuế khí thải. Sergio Marchionne, Chủ tịch hiệp hội công nghiệp ACEA kiêm CEO của Fiat, nói rằng ACEA đã không thể tìm ra một điểm thống nhất. Tuy nhiên người đứng đầu Fiat cho biết ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu và hiểu rằng người Đức đã có một âm mưu khác, điều mà ông này cho rằng sẽ không thể thành công. EU đã phác thảo một dự luật khí thải để dung hòa lợi ích của các công ty xe hơi trong khi vẫn thỏa mãn mục tiêu giảm ô nhiễm không khí tại khu vực này. Để đạt được mục tiêu của mình, EU đã đề xuất một mô hình mà lấy 60% lượng phát sinh khí thải của năm 2009 để xác định mức giảm CO2 được phân bổ là bao nhiêu và lấy đó làm căn cứ để tính thuế đánh vào giá bán lẻ của xe một cách công bằng đối với tất cả các nhà sản xuất khác nhau. Các nhà phân tích nói rằng lập luận của phía Đức là không hợp lý và chỉ ra những lý do cho sự thay đổi của nó trong tương lai bởi vì việc sử dụng khối lượng để tính toán sẽ tạo lợi thế cho các nhà sản xuất xe nặng hơn. Những chiếc xe này thường được dùng trên những hành trình dài hơn, so với các loại xe cỡ nhỏ đa phần chạy trong thành phố, với quãng đường ngắn. Điều đó có nghĩa là tham số khối lượng không phản ánh hết mức độ xả khí thải của mỗi xe. Các điều luật khí thải đang được lợi dụng như một vũ khí để cạnh tranh giữa các hãng xe tại những thị trường nhất định. Trong khi Âu Mỹ dùng các tiêu chuẩn ngặt nghèo để chống xe Trung Quốc thì giữa họ cũng có những xung đột lợi ích cần phải được giải quyết bằng khí thải. Vừa qua, Pháp đã dự tính đánh thuế xe sang liên quan đến khí thải nhằm vào các nhãn hiệu Đức để cứu các nhà sản xuất nội địa đang ế ẩm.
Longlv - Theo dangkiem