Khi nghe điều trên bạn sẽ liên tưởng ngay đến hỉnh ảnh dòng nước cuồn cuộn từ những con đập làm quay tua-bin máy phát điện. Nhưng đó không phải là cách duy nhất tạo ra nguồn điện từ năng lượng nước, vì hiện tại các nhà khoa học tại viện công nghệ Massachuset, Mỹ (MIT) đã phát minh ra một phương pháp khác.
Trang Physorg cho biết, nhóm nghiên cứu đã đặt tấm coban nhân tạo và photphat phủ silicon trong một bọc nước, nhờ đó tạo ra một hiệu ứng tương tự hiệu ứng quang hợp. Dưới tác động của ánh sáng mặt trời, nước bị phân tách và giải phóng hyđro được sử dụng để tạo ra điện. Điều thú vị ở chỗ, phương pháp này giúp tạo ra điện năng hiệu quả hơn so với những pin mặt trời hiện có.
Ngoài ra, công nghệ này còn có một số ưu điểm khác như, không đòi hỏi sử dụng nước sạch, có thể sử dụng như máy phát điện nhỏ có kích thước tương đương một chiếc tủ lạnh. Hiện các nhà khoa học đang cố gắng để giảm kích thước xuống bằng một cái chai và giảm 1/2 lượng nước tiêu thụ.
Kỹ thuật này là bước đột phá trong lĩnh vực năng lượng điện. Nó khắc phục được nguy cơ cạn kiệt nguồn nguyên liệu và tác động xấu đến môi trường như than đá và dầu mỏ, không tiềm ẩn mối hiểm nguy như điện hạt nhân, đạt công suất lớn hơn pin mặt trời, giảm được giá thành nên rất có ý nghĩa về mặt kinh tế, đặc biệt với người có thu nhập thấp.
Thuyld – Theo diễn đàn môi trường