“Hiện nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ lộ trình bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học và đang chờ Chính phủ xem xét phê duyệt, hy vọng lộ trình này sẽ được phê duyệt trong năm nay”.
Đó là thông tin được Bộ Công Thương đưa ra trong cuộc họp giao ban về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, được tổ chức chiều ngày 1/10.
Theo Bộ Công Thương, vai trò của xăng sinh học trong việc góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng đã được minh chứng. Tuy nhiên, do nhận thức của xã hội về vấn đề này còn hạn chế và do khó thay đổi thói quen tiêu dùng nên hiện nay lượng xăng sinh học tiêu thụ chậm là điều tất yếu.
Mặc khác, để phát triển một hệ thống phân phối gồm: các cây xăng, hệ thống vận chuyển, phối trộn... cần phải có thời gian để xây dựng và hoàn thiện.
Thái Lan đã mất hơn 20 năm để có được sự phát triển của xăng sinh học như hiện nay, đạt được sự bao phủ xăng sinh học tại các thành phố lớn.
Ở nước ta, chỉ trong một thời gian ngắn mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Saigon Petro đã phát triển được mạng lưới xăng sinh học tại 6 tỉnh thành trên cả nước với khoảng 170 điểm phân phối và hiện nay sản phẩm này vẫn đang được tiêu thụ bình thường thì đây là một nỗ lực rất lớn của các đơn vị này trong việc xây dựng mạng lưới phân phối.
Theo Bộ Công Thương, việc xăng sinh học tiêu thụ chậm chủ yếu do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế nên đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho sản phẩm này. Đó cũng là lý do Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương cùng với các bộ ngành xây dựng lộ trình bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ lộ trình bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học để Chính phủ xem xét phê duyệt, hy vọng lộ trình này sẽ được phê duyệt trong năm nay, tạo cơ sở thuận lợi hơn cho việc tiêu thụ xăng E5 nói riêng và đẩy mạnh việc sử dụng nhiên liệu sinh học trên cả nước nói chung.
Hiện nay, có một số thông tin cho rằng Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ chậm đưa vào sử dụng gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sắn cho bà con nông dân.
Nói về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng, nên có sự nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan hơn với vấn đề này. Thực tế, khi các dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học bắt đầu đưa vào khởi công xây dựng thì giá sắn đã bị đẩy lên cao một cách bất hợp lý, khoảng 5.500 – 5.800 đồng/kg, trong khi đó giá thóc lúc này chỉ khoảng 4.500 đồng/kg.
Hiện nay, giá sắn bình quân 3.500 đồng/kg, mức giá này không phải là quá thấp vì trước đây khi chưa có các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thì giá sắn chỉ khoảng 1.800 – 2.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta vẫn đang xuất khẩu sắn, trong 8 tháng đầu năm nay chúng ta đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn sắn khô. Điều đó cho thấy, đầu ra cho sản phẩm sắn khô của nông dân không phải chỉ có các nhà máy nhiên liệu sinh học mà còn có rất nhiều nguồn khác. Vì vậy, việc giá sắn lên hay xuống không chỉ phụ thuộc vào mức tiêu thụ của các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học.
Chinhpc - Theo petrotimes