Jakarta thiệt hại trên 4 tỷ USD vì ô nhiễm không khí

Ngày 11/10/2012
Chủ tịch Ủy ban loại bỏ xăng pha chì (KPBB) của Indonesia, Ahmad Syarifuddin cho biết khí thải của các phương tiện vận tải có động cơ là nguồn chủ yếu gây ô nhiễm không khí, trong khi số lượng ô tô xe máy tham gia giao thông ngày một gia tăng.
Theo các chuyên gia, hàng năm thủ đô Jakarta của Indonesia bị thiệt hại tới 38.000 tỷ rupiah (trên 4,2 tỷ USD) vì ô nhiễm không khí.
Chủ tịch Ủy ban loại bỏ xăng pha chì (KPBB) của Indonesia, Ahmad Syarifuddin cho biết khí thải của các phương tiện vận tải có động cơ là nguồn chủ yếu gây ô nhiễm không khí, trong khi số lượng ô tô xe máy tham gia giao thông ngày một gia tăng.
Kết quả là người dân Jakarta đang đối mặt với tình trạng hàm lượng bụi, hydrocarbon và lưu huỳnh độc hại trong không khí gia tăng, làm gia tăng tình trạng mắc bệnh hen suyễn, viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi và bệnh tim.
Ông Ahmad Syarifuddin cho rằng một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến ô nhiễm không khí gia tăng là do chính phủ vẫn thực hiện chính sách trợ giá nhiên liệu, và để cải thiện tình trạng này cần phải nhanh chóng từng bước loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu được trợ giá chất lượng thấp, thực thi quy định nghiêm ngặt về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời tăng cường lưu hành lượng nhiên liệu sạch trên thị trường, để có thể hoàn thành mục tiêu cắt giảm 10% lượng khí thải của chính phủ đã đề ra.
Quan chức cấp cao Bộ Môi trường Indonesia, Ade Palaguna cũng chia sẻ quan điểm với ông Ahmad Syarifuddin về việc bãi bỏ chính sách trợ giá nhiên liệu, bởi việc trợ cấp với mục đích hỗ trợ người nghèo này chủ yếu mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu, có khả năng sở hữu phương tiện giao thông cá nhân, trong khi nhiều người nghèo phải sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, chưa kể chính sách này hoàn toàn ngược với chiến lược chuyển đổi sang phát triển một nền kinh tế xanh, bền vững của chính phủ.
Chuyên gia Francois Cuenot, một nhà phân tích lĩnh vực giao thông vận tải thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng phê phán chính sách trợ giá nhiên liệu của Indonesia, khi cho rằng chính sách này làm triệt tiêu động lực tiết kiệm năng lượng hoặc thực hiện các biện pháp thân thiện với môi trường của người tiêu dùng./.
Longlv - Theo vietnam+