Cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong đó có vấn đề cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch, sự phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới...
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
Là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng lớn mà chủ yếu là xăng dầu; thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tiết kiệm nhiên liệu như thực hiện các giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông; phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu mới, nhiên liệu thay thế trong giao thông vận tải; phổ biến kỹ năng lái xe sinh thái tiết kiệm nhiên liệu...
Thực tiễn cho thấy, việc tối ưu hóa mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không kết hợp hài hòa, đồng bộ giữa các phương thức vận tải; thiết kế các công trình có tính đến chi phí trong vận doanh, tích hợp các nội dung về sử dụng đất trong quy hoạch giao thông, tái sử dụng và tái chế các loại vật liệu nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên... sẽ đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng rất lớn.
Như vậy, có thể nói để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong giao thông vận tải cần thực hiện đồng bộ ba nhóm biện pháp chính: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình giao thông; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động vận tải; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với phương tiện giao thông vận tải.
Các nội dung này đã được thể chế hóa trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến một số quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình giao thông, cụ thể:
Khoản 3 Điều 19 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu khi xây dựng, cải tạo công trình giao thông như thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các dự án đã được phê duyệt; áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thi công công trình.
Điểm a Khoản 1 Điều 21 Luật quy định trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải: áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 64/2011/TT-BTVT ngày 26/12/2011 quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải; trong đó Điều 3 Thông tư quy định chi tiết các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình giao thông.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang dự thảo Sổ tay hướng dẫn nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công tác lập quy hoạch, lập dự án đầu tư các công trình giao thông trước hết là cho giao thông đường bộ, dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới.
Các hướng dẫn trên được ban hành chắc chắn sẽ giúp tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu thêm các quy định cũng như giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các khâu lập quy hoạch đến thiết kế, thi công các công trình giao thông
Thúy Hoa -Theo VNEEP