Tăng cường cải tạo môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Ngày 02/01/2013
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2013, 2 chương trình mục tiêu quốc gia Khắc phục ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) được giao tổng kinh phí hơn 379 tỷ đồng. Mới đây, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với việc phân bổ kinh phí cho 2 chương trình này.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2013, 2 chương trình mục tiêu quốc gia Khắc phục ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) được giao tổng kinh phí hơn 379 tỷ đồng. Mới đây, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với việc phân bổ kinh phí cho 2 chương trình này.
131 tỷ đồng cải thiện môi trường
Cụ thể, chương trình Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được giao tổng kinh phí 131 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 83 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 48 tỷ đồng. Về phương án phân bổ, Chính phủ cho biết đã rà soát, điều chỉnh, bố trí 83 tỷ đồng cho các dự án đầu tư như: khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; thu gom, xử lý nước thải các đô thị loại 2 trở lên thuộc ba lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai. Còn chương trình Ứng phó với BĐKH được giao tổng kinh phí là 248,3 tỷ đồng.
Chính phủ cho biết đã rà soát cắt giảm 60,8 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để bố trí 30,8 tỷ đồng xây dựng và nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau (tổng mức đầu tư là 922 tỷ đồng) và 30 tỷ đồng cho dự án kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh (tổng mức đầu tư là 153 tỷ đồng). Theo đó, Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để triển khai các mô hình thích ứng thí điểm ứng phó với BĐKH tại hai tỉnh Quảng Nam, Bến Tre; xây dựng mô hình có độ chính xác cao tại khu vực đồng bằng và ven biển để phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng.
Đối với các địa phương còn lại, Chính phủ sẽ bố trí nguồn vốn thông qua Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH của Thủ tướng phê duyệt danh mục dự án ưu tiên thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC), bao gồm 61 danh mục dự án ưu tiên cấp bách có thể triển khai từ năm 2013.
Theo báo cáo phân bổ kinh phí cho 2 chương trình này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết 3 năm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia 2011 - 2013 theo Nghị quyết của Quốc hội. Từ đó, đề xuất với Quốc hội điều chỉnh lại các mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, đảm bảo kinh phí còn lại của hai năm 2014 - 2015 được bố trí tập trung xử lý những vấn đề quan trọng nhất của từng chương trình.
Xây dựng mô hình trình diễn ứng phó BĐKH
Tại phiên họp thứ nhất của Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012 - 2015 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh cần xây dựng các mô hình trình diễn tại các địa phương, nhằm hiện thực hóa công cuộc ứng phó với BĐKH.
Văn phòng Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH cho biết, BĐKH là một lĩnh vực mới, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH lại có tính liên ngành cao với tầm nhìn dài hạn nên các địa phương còn lúng túng trong triển khai xây dựng, thậm chí, nhiều địa phương còn rất thận trọng khi quyết định ban hành. Đến nay mới có 35 tỉnh, TP xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, chủ yếu là các tỉnh ven biển, các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chịu tác động nặng nề của BĐKH và nước biển dâng.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhận định, sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình, một số chủ trương, chính sách về ứng phó với BĐKH đã được xây dựng, ban hành và bước đầu phát huy hiệu quả như: Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh BĐKH… cũng như các chủ trương, chính sách gắn yếu tố BĐKH trong phát triển kinh tế - xã hội ở một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, chịu ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH.
Các hoạt động ứng phó với BĐKH đã được triển khai đa dạng, toàn diện từ trung ương tới địa phương. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội về BĐKH đã được nâng lên rõ rệt. Thông qua các diễn đàn quốc tế về BĐKH cho thấy vị thế, vai trò và uy tín của Việt Nam trong các hoạt động ứng phó với BĐKH được tăng cường, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Công tác vận động tài trợ quốc tế, hợp tác quốc tế đạt được những thuận lợi cơ bản.
Theo Bộ TN-MT, Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH đã bước qua giai đoạn khởi động và đến giai đoạn hành động. Bởi vậy việc chọn mô hình điểm là điều cần thiết. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, để triển khai hiệu quả chương trình trong năm 2013 và các năm tiếp theo, các bộ ngành cần khẩn trương rà soát các dự án đầu tư, lựa chọn từ 1 - 2 dự án thích ứng với BĐKH, mang lại lợi ích trước mắt cũng như lâu dài, phù hợp với nguồn vốn của chương trình để thực hiện thí điểm ở một số địa phương ngay trong năm 2013; đồng thời nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh tăng tối đa nguồn vốn đầu tư phát triển của chương trình cho năm 2014 - 2015 để tiếp tục triển khai một số mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH, nước biển dâng ở những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Theo SGGP