Việt Nam nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu: Hành trình còn dài

Ngày 04/01/2013
“Việt Nam góp phần đưa hàng triệu người dân thoát khỏi đói nghèo mà vẫn duy trì lộ trình để đáp ứng tất cả các mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ vào 2015, nhưng lại là quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tác động của biến đổi khí hậu” – Đây là nhận định của mạng tin toàn cầu IPS mới được Bộ Tài nguyên – Môi trường công bố.
“Việt Nam góp phần đưa hàng triệu người dân thoát khỏi đói nghèo mà vẫn duy trì lộ trình để đáp ứng tất cả các mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ vào 2015, nhưng lại là quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tác động của biến đổi khí hậu” – Đây là nhận định của mạng tin toàn cầu IPS mới được Bộ Tài nguyên – Môi trường công bố.
Câu chuyện vế biến đổi khí hậu trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết từ nhiều năm nay không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới. Các thảm họa liên quan đến khí hậu những năm gần đây gây thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản đã khiến Chính phủ nhiều nước chuyển mục tiêu chú ý sang các chính sách tiên phong về biến đổi khí hậu. Việt Nam không là ngoại lệ, khi tốc độ ấm lên toàn cầu nằm ngoài khả năng kiểm soát của các cơ quan chức năng. Điều này phụ thuộc lớn vào việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong tương lai của các nước công nghiệp chủ chốt.
Ở nước ta, Chính phủ đã đưa ra hẳn một chiến lược tầm cỡ, trong đó đề cập đến những kịch bản về tác động của biến đổi khí hậu trong vòng 50 năm tới. Nội dung của chiến lược này nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi vấn đề biến đổi khí hậu, với “khu vực châu thổ sông Mê Kông trở thành một trong 3 châu thổ dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, cùng với châu thổ sông Nile và sông Hằng”.
Chiến lược này cảnh báo rằng, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm từ 2 đến 3 độ C, kèm theo những thay đổi lớn về lượng mưa có nguy cơ gây nên tình trạng lũ lụt và hạn hán với sức tàn phá lớn, trong khi mực nước biển dự kiến sẽ dâng lên từ 0,75 đến 1 mét. Khi đó, khoảng 40% của châu thổ sông Mê Kông, 11% châu thổ sông Hồng và 3% các khu vực khác sẽ bị ngập nước, và 2% diện tích của TP Hồ Chí Minh sẽ bị chìm dưới nước”.
Bất kỳ sự sụt giảm nào về sản lượng ở vựa lúa sông Mê Kông, dĩ nhiên đều gây nên những tác động nghiêm trọng đối với an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu, bởi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Cùng với báo cáo của chiến lược này, nhiều cơ quan hữu quan khác cũng đưa ra nhiều nhận định đáng giật mình về tương lai của Việt Nam trước biến đổi khí hậu. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, vào năm 2050, khoảng 9,5 triệu người Việt Nam sẽ ở trong tình thế nguy hiểm trước tác động của sự gia tăng mực nước biển.
Trước những dự báo mang tính sống còn đối với Việt Nam, Chiến lược biến đổi khí hậu quốc gia đã và đang nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ dài hạn mạnh mẽ của các nhà tài trợ quốc tế. Hiện có khá nhiều dự án liên quan đến biến đổi khí hậu được đổ vào Việt Nam, cùng với đó là sự có mặt của nhiều tổ chức tên tuổi như WB, WWF, ADB… Tuy nhiên, Chiến lược này cũng dự báo rằng, do Việt Nam là nước có mức thu nhập trung bình, theo đó sự hỗ trợ của quốc tế sẽ bị giảm bớt và sự hợp tác sẽ được thực hiện trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Các hình thức tài trợ mới hy vọng sẽ xuất hiện thông qua các cơ chế chuyển giao công nghệ và tài chính mới từ các nước phát triển.
Mới đây nhất, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân bổ nguồn lực tài chính hợp tác quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu, thông qua Quỹ Khí hậu xanh. Bộ này cho biết, một hội nghị đầu tư quốc tế dự kiến sẽ mời các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các cơ sở hạ tầng liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối tác của chương trình – Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho biết, trước mắt, GIZ sẽ hợp tác với nhiều nhà tài trợ khác cũng như Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế trong vấn đề bảo vệ vùng ven biển ở đồng bằng sông Mê Kông, trong đó bao gồm phục hồi và mở rộng các tuyến vành đai rừng ngập mặn và nâng cấp đê điều hiện có.
Theo Lao Động