Ngày 27/2, tại Đà Nẵng, Quân chủng Phòng không Không quân đại diện cho Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức hội thảo tiếp cận cộng đồng về "Dự án xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng".
Tham dự hội thảo, ngoài đại diện của USAID còn có các nhà thầu tham gia dự án, các sở, ban, ngành liên quan của TP Đà Nẵng và đại diện UBND một số phường xung quanh sân bay quốc tế Đà Nẵng và khu vực lân cận.
Cuộc hội thảo nhằm cập nhật những thông tin quan trọng về kỹ thuật và an toàn của dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng đến chính quyền địa phương và các tổ chức như Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Chữ Thập đỏ... để họ làm đầu mối thông tin cho người dân sinh sống quanh sân bay và các vùng khác. Những câu hỏi liên quan đến vấn đề an toàn trong quá trình thi công dự án cũng được giải đáp cụ thể tại hội thảo.
Đại tá Phạm Đình Chiến, Trưởng phòng Khoa học – Công nghệ và Môi trường thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân cho biết, từ khi bắt đầu triển khai hạng mục đầu tiên (17/6/2011), đến nay dự án đã hoàn thành hạng mục rà phá bom mìn và rà phá bom mìn bổ sung. Hiện đã có 27,54/29 ha được Lữ đoàn 28 tiến hành rà phá với khoảng trên 1.000 bom đạn các loại (bom bi, đạn M79, đạn pháp 105mm, đạn nhọn K44 …)
Dự án cũng tổ chức khóa huấn luyện về sức khỏe và an toàn thi công xử lý chất thải nguy hiểm cho 62 người tham gia dự án. Các vật liệu nhiễm bẩn (đất, bùn, chất thải trong khu vực dioxin) sẽ tuân thủ các quy định xử lý nghiêm ngặt nhằm không để phát tán ra bên ngoài công trường.
Công tác phát quang và san nền cũng đang được tiếp tục thực hiện. Hiện các hố thăm dò đã được đào nhằm đảm bảo nền phía dưới kết cấu mố chứa được vững chắc. Tính đến 31/12/2012, đã thi công được khoảng 20% khối lượng nền của kết cấu chứa mố xử lý khử hấp thu nhiệt. Đã có 1.700/33.000 khối bê tông kết cấu chứa mố xử lý được hoàn thành. Khoảng 1.820m 3 vật liệu lấp sạch đã được mang vào từ bên ngoài, san bằng rồi đầm nén nhằm tạo nên nền móng vững chắc, trên đó sẽ thi công kết cấu chứa mố xử lý.
Theo kế hoạch, trong năm 2013 và thời gian tới, các hoạt động chủ yếu của dự án này tập trung vào việc tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ công nghệ xử lý nhiệt, xây dựng kết cấu mố hấp khử nhiệt, bắt đầu đào xúc đất nhiễm bẩn, triển khai lấy mẫu xác nhận, và đặt công nghệ xử lý nhiệt.
Thông tin từ hội thảo cũng cho hay, được giao nhiệm vụ giám sát về công nghệ thi công dự án xử lý dioxin sân bay quốc tế Đà Nẵng là Bộ Tư lệnh Hóa học, giám sát và quan trắc về môi trường trong quá trình thực hiện dự án là Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (thuộc Bộ Quốc phòng). Hoạt động giám sát này được thực hiện độc lập, song song với hoạt động giám sát của USAID trong quá trình thi công dự án.
Trước đó, ngày 19/2, USAID công bố đã ký hợp đồng với Công ty TerraTherm thực hiện gói thầu xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng bằng công nghệ xử lý nhiệt. Công nghệ xử lý của TerraTherm có vai trò then chốt trong dự án do Hoa Kỳ tài trợ nhằm làm sạch ô nhiễm dioxin ở các khu vực trong sân bay Đà Nẵng - nơi từng được sử dụng để cất trữ và nạp hóa chất khai quang trong chiến tranh Việt Nam. USAID đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các nhà thầu khác để thực hiện dự án này đến năm 2016.
Công ty TerraTherm sẽ xử lý khoảng 73.000 m 3 đất và bùn tại sân bay Đà Nẵng. Đất và bùn ô nhiễm sẽ được đưa vào một kết cấu mố được xây dựng nổi trên mặt đất, được che chắn và cách nhiệt hoàn toàn, sau đó từng mẻ bùn đất ô nhiễm được nung nóng ở nhiệt độ cao trong vài tháng để làm phân hủy dioxin. Công nghệ xử lý nhiệt này có khả năng xử lý hiệu quả đất ô nhiễm, đáp ứng các tiêu chuẩn làm sạch của Việt Nam.
Trong một diễn biến có liên quan, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng Phan Thành Tiến cho hay, UBND TP Đà Nẵng vừa giao Hội này xây dựng Trung tâm khử độc tố dioxin. Hiện Hội đang khẩn trương chuẩn bị khởi công xây dựng Trung tâm vào cuối năm nay. Đồng thời tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay hỗ trợ để sớm đưa Trung tâm tẩy độc đi vào hoạt động nhằm điều trị cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Theo Infonet