Vào cuối tháng 1/2013, các nhà khoa học Mỹ công bố một nghiên cứu về tầng khí quyển đối lưu ở độ cao giữa 6 km và 10 km, cho thấy sự tồn tại của các vi khuẩn ở khu vực này có thể tác động đến thời tiết và biến đổi khí hậu.
Giáo sư Kostas Konstantinidis, thuộc viện công nghệ Georgia (miền đông nam Hoa Kỳ), một trong các tác giả chính của nghiên cứu kể trên cho biết đã hết sức bất ngờ khi phát hiện ra một số lượng rất lớn các vi khuẩn ở tầng khí quyển này, vốn bình thường là một môi trường rất khó sống đối với các loài sinh vật.
Một số vi khuẩn, trong các loài được tìm thấy, có khả năng hấp thụ được các phân tử có chứa cacbon, có mặt khắp nơi trong bầu khí quyển, chủ yếu đến từ khí thải CO2 do các hoạt động của con người, nhân tố chủ yếu gây ra hiệu ứng nhà kính.
Những sinh vật siêu nhỏ này đã được phát hiện trong các mẫu không khí, mà NASA - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ - thu được trong một chương trình nghiên cứu về khối lượng không khí ở các tầng khí quyển khác nhau, và mối quan hệ giữa không khí với các cơn bão nhiệt đới.
Nhờ các kỹ thuật đọc mã di truyền, các nhà nghiên cứu đã xác định và ước lượng được số lượng các vi khuẩn trong các khối không khí được thẩm định. Nghiên cứu cho thấy, các sinh vật siêu nhỏ này trung bình chiếm khoảng 20% tổng trọng lượng các phân tử thu được từ các mẫu không khí. Số lượng các chủng loại vi khuẩn là 17, gấp mười lần so với chủng mốc được tìm thấy. Cũng theo giáo sư Kostas Konstantinidis, có khá nhiều loài vi khuẩn tại tầng khí quyển đối lưu, tuy nhiên, không phải loại nào cũng có khả năng sống sót ở phần cao nhất của tầng đối lưu.
Nghiên cứu kể trên đã được công bố trên trang mạng của Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS), cơ quan ngôn luận chính thức của Viện Hàn lâm khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. Một trong các ý nghĩa của sự phát hiện này là chỉ ra rằng các vi khuẩn có thể giữ một vai trò trong quá trình hình thành băng tuyết trong các đám mây, và do đó có tác động đến thời tiết và khí hậu. Bên cạnh đó, việc di chuyển của vi khuẩn nhờ gió xuyên qua các khoảng cách lớn, có thể sẽ được tính đến trong các nghiên cứu về sự lan truyền của các căn bệnh lây nhiễm giữa các sinh vật.
Các mẫu không khí chủ yếu thu được tại vùng vịnh Caribê và một số vùng thuộc Đại Tây Dương trong và sau hai trận bão Earl và Karl năm 2010.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn còn chưa biết được liệu các vi khuẩn nói trên sống ổn định tại tầng khí quyển này, có thể nhờ việc bám vào các phân tử cacbon treo lơ lửng, hay chúng chỉ ở đấy trong một khoảng thời gian ngắn, sau khi bị gió cuốn lên đây từ bề mặt hành tinh.
Theo RFI