Một nghiên cứu mới của Viện Reiner Lemoine và Solarpraxis AG của Đức đã phát hiện ra sự kết hợp giữa năng lượng mặt trời và gió sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn rất nhiều trong việc tạo ra năng lượng điện ổn định và liên tục.
Lợi ích lớn của việc xây dựng loại nhà máy năng lượng kết hợp này là giảm hệ thống lưới điện, đồng thời các nguồn năng lượng này sẽ bổ sung cho nhau, dẫn đến năng lượng được bơm vào lưới điện ổn định hơn so với các nhà máy năng lượng mặt trời, năng lượng gió được xây dựng riêng.
Theo Alexander Woitas – người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của Solarpraxis AG: "Nghiên cứu đã kiểm tra với cùng một diện tích bề mặt. Khi lắp đặt hệ thống quang điện kết hợp với tuabin gió sẽ tạo ra nguồn năng lượng gấp đôi so với việc chỉ lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và sự che khuất gây ra bởi các tuabin gió chỉ chiếm 1-2% diện tích của hệ thống năng lượng mặt trời – thấp hơn rất nhiều so với suy nghĩ trước đây”.
Các nhà nghiên cứu cũng tính toán những tác động khi kết hợp nhà máy năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên lưới điện ở mức độ khu vực và toàn cầu. Điểm mấu chốt của vấn đề là nhà máy điện năng lượng mặt trời tạo ra năng lượng nhiều hơn trong mùa hè, trong khi các tua-bin gió thường sản xuất điện nhiều hơn vào những lúc lạnh lẽo của năm - điều này làm cho việc cung cấp năng lượng sẽ ổn định hơn trong suốt cả năm.
Để kiểm tra tính hiệu quả của dự án, các nhà nghiên cứu sẽ cài đặt các tua bin gió tại trang trại năng lượng mặt trời ở Templin (gần Berlin). Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Chính phủ Đức.
Nguồn: TKNL, Cleantechnica.com