Hạn chế tác động môi trường từ hoạt động GTVT

Ngày 11/12/2013

Hoạt động GTVT là không thể thiếu trong sự phát triển KT-XH của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp kiểm soát tốt hoạt động của phương tiện cũng như trong quá trình xây dựng các dự án giao thông đường bộ thì những hoạt động này sẽ gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.

Hoạt động GTVT là không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp kiểm soát tốt hoạt động của phương tiện cũng như trong quá trình xây dựng các dự án giao thông đường bộ thì những hoạt động này sẽ gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.

Ô nhiễm từ phương tiện giao thông

Hoạt động GTVT là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí (chiếm tỷ lệ 70%). Nó gây ô nhiễm lớn nhất đối với môi trường không khí, đặc biệt là sự phát thải các khí CO, VOC và NO2. Hiện nay cả nước có khoảng trên 2 triệu xe ô tô các loại và khoảng 38 triệu xe máy với tỷ lệ tăng hàng năm khoảng từ 10 - 12%, đây chính là nguyên nhân gây ra tăng nồng độ các các loại khí thải độc hại như: SO2, NO2, CO, CH… trong thành phần không khí, theo một số dự báo thì nồng độ các chất thải độc hại nêu trên tại các nút giao thông trên địa bàn TP Hà Nội vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7-10 lần và ngày càng tăng thêm trong các năm gần đây. 

Xe tải chở đất, cát rơi vương vãi làm bụi mù đường phố

Xe tải chở đất, cát rơi vương vãi làm bụi mù đường phố

Lượng phát thải các khí này tăng lên hàng năm cùng với sự phát triển về số lượng các phương tiện giao thông đường bộ. Xét trên phương tiện tham gia giao thông thì thải lượng ô nhiễm không khí từ xe máy là tương đối nhỏ, trung bình một xe máy xả ra lượng khí thải chỉ bằng 1/4 so với xe ô tô con. Tuy nhiên, do số lượng xe máy tham gia giao thông chiếm tỷ lệ lớn hơn và chất lượng nhiều xe đã xuống cấp nên xe máy vẫn là phương tiện đóng góp nguồn khí thải ô nhiễm chính, đặc biệt là CO và VOC. Trong khi đó, xe tải và xe khách lại đóng góp các khí thải ô nhiễm là NO2 và SO2. 

Với mật độ các loại phương tiện tham gia giao thông lớn, chất lượng lại kém và hệ thống đường giao thông chưa tốt thì lượng khí thải ô nhiễm từ hoạt động GTVT  vào không khí đang có xu hướng gia tăng. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, các chất gây ô nhiễm từ chất thải của các phương tiện giao thông có động cơ sẽ xâm nhập vào phổi, thậm chí máu của con người, gây ra các bệnh về mắt và hệ hô hấp. 

Nước từ thùng xe chở quá tải chảy lênh láng ra đường

Nước từ thùng xe chở quá tải chảy lênh láng ra đường

Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về tác động lâu dài của khí thải xe cơ giới sẽ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như: Vô sinh, ung thư phổi, tim, thận... Như vậy, việc tìm ra biện pháp nhằm giảm thiểu lượng khí thải độc hại do các phương tiện cơ giới gây ra là một điều cần thiết. 

Ô nhiễm từ hoạt động xây dựng 

Hoạt động phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bao gồm các hoạt động xây dựng mới; Cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ, cảng biển và sông, ga hàng không và đường sắt, sân bay, cầu và hầm đường bộ, đường sắt... các hoạt động này tùy thuộc và quy mô mà tác động ít, nhiều đến môi trường. Những tác động mang diện rộng, có tính xã hội cao, tác động đến cuộc sống của từng người dân đó là hoạt động GPMB, di dời và tái định cư; Tác động xáo trộn sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng thu nhập kinh tế, công ăn việc làm, đi lại là những tác động chính trong giai đoạn chuẩn bị và GPMB. 

Hoạt động thi công xây dựng còn tác động đến chất lượng môi trường như: Không khí, tiếng ồn, rung, nước mặt, nước ngầm. Những tác động này diễn ra rất rõ đối với các dự án vừa thi công vừa tiến hành khai thác. Với không khí thì ô nhiễm bụi vì bụi phát sinh từ các hoạt động đào, đắp đất đá, vận chuyển nguyên vật liệu, nồng độ ô nhiễm bụi thường biến thiên, không ổn định tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và tiến độ, khối lượng thực hiện.

Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng dự án giao thông đường bộ tác động đến môi trường nước bởi rác và phế thải tràn đổ hoặc bồi lắng, xói mòn do mưa. Không chỉ vậy, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tác động rất lớn đến tài nguyên đất, rõ ràng nhất là chiếm dụng đất đai và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 
 
Quan trắc để bảo vệ môi trường 

Để các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động GTVT hiệu quả hơn, công tác quan trắc môi trường thường phải được tiến hành với chương trình giám sát môi trường. Quan trắc là thực hiện các công tác đo đạc, định lượng các thông số theo chương trình, kế hoạch và tần suất nhất định để  định lượng các thông số theo các tiêu chuẩn hiện hành, trên cơ sở đó theo dõi, hỗ trợ trong quá trình giám sát môi trường. Đối với hoạt động xây dựng các dự án giao thông đường bộ, công tác quan trắc thường được tiến hành đối với môi trường xung quanh chủ yếu là: Bụi, ồn, rung, nước mặt, nước ngầm. Quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2011/TT-BTNMT ngày 1/8/2011.

Thực tế hiện nay, công tác báo cáo về việc triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong giai đoạn thực hiện dự án, kết quả quan trắc, giám sát môi trường định kỳ vẫn chưa được thực hiện thường xuyên. Chủ dự án chưa thực sự quan tâm đến công tác quan trắc, giám sát môi trường, chưa linh hoạt trong công tác giám sát để có điều chỉnh kịp thời các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm cho phù hợp với điều kiện thực tế của dự án.

Quan trắc là công cụ chính để giám sát môi trường và đánh giá chất lượng môi trường, do vậy nó cần phải được quy định chặt chẽ trong tất cả các khâu. Để chuẩn hóa công tác này tại các cơ quan doanh nghiệp, tư vấn môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường đã ban hành Nghị định 27/2012/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 5/6/2013 về công tác Quan trắc môi trường. Hy vọng trong thời gian tới, thông qua các quy định này, công tác quan trắc môi trường sẽ giúp các nhà quản lý thực hiện hiệu quả hơn các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong thi công xây dựng công trình giao thông.

Nguồn: Báo Giao thông điện tử