Kinh nghiệm triển khai nhiên liệu sinh học ở Thái Lan

Ngày 15/05/2014

Thái Lan là một quốc gia tương đồng với Việt Nam về điều kiện, hoàn cảnh. Mặc dù đi sau các nước Mỹ, Brazil, châu Âu… trong phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH), nhưng đến nay quốc gia này đã dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 9 về sản xuất và thứ 6 toàn cầu về tiêu thụ NLSH.

Thái Lan là một quốc gia tương đồng với Việt Nam về điều kiện, hoàn cảnh. Mặc dù đi sau các nước Mỹ, Brazil, châu Âu… trong phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH), nhưng đến nay quốc gia này đã dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 9 về sản xuất và thứ 6 toàn cầu về tiêu thụ NLSH.

Bức tranh toàn cảnh

Không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu năng lượng hóa thạch, nâng cao khả năng tự chủ và đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu mía đường, rỉ mật, đặc biệt là sắn, Thái Lan đã nghiên cứu sản xuất và triển khai sử dụng NLSH trên toàn quốc từ khá sớm so với khu vực Đông Nam Á. Ethanol được sản xuất tại 21 nhà máy NLSH trong nước từ các nguyên liệu chủ yếu là mía và sắn, trong khi dầu cọ và dầu mè là được sử dụng để sản xuất dầu diesel sinh học.

Hãng Hàng không Thái (Thai Airways) thực hiện chuyến bay thương mại bằng nhiên liệu sinh học đầu tiên ở châu Á vào năm 2011

Năm 1985, Thái Lan xây dựng nhà máy sản xuất ethanol quy mô thử nghiệm đầu tiên trong Dự án Royal Project Chitrada hợp tác với Cơ quan quản lý dầu mỏ Thái Lan (PTT). Giai đoạn 1985-1987, Thái Lan bắt đầu cho thí điểm tiêu dùng xăng pha ethanol, phân phối thử nghiệm qua 3 cửa hàng xăng dầu ở khu vực Bangkok. 10 năm sau đó, câu chuyện NLSH ở Thái Lan tạm lắng do giá dầu thế giới xuống thấp. Từ năm 1997 đến 2000, Dự án “Nhiên liệu thay thế để bảo vệ môi trường Thái Lan” do PTT nghiên cứu với sự tài trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản) đã đánh giá, chứng minh hiệu quả của việc sử dụng xăng sinh học được sử dụng làm nhiên liệu động cơ, dẫn đến việc lần đầu tiên giới thiệu xăng sinh học ra thị trường với khối lượng 3.000 lít/ngày. Ðến năm 2006, thị trường Thái Lan đã dùng xăng pha 10% ethanol. Trên cơ sở đó, khi khủng hoảng giá nhiên liệu thế giới bùng nổ vào năm 2008, Thái Lan đã có thể chuyển sang dùng xăng pha 20% ethanol (E10) và giới thiệu xăng E85 (pha 85% ethanol).

Hiện nhiên liệu ethanol chiếm 9% lượng tiêu thụ nhiên liệu trong lĩnh vực giao thông vận tải của Thái Lan, lên tới 2,53 triệu lít/ngày (số liệu đầu năm 2013). Hãng hàng không Thái (Thai Airways) trở thành hãng hàng không đầu tiên ở châu Á thực hiện chuyến bay thương mại bằng nhiên liệu sinh học vào năm 2011.

Bên cạnh đó, Thái Lan còn làm được một điều mà đối với nhiều nước là rất khó khăn - đó là cạnh tranh với ethanol của Brazil trên thị trường quốc tế, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn. Lý do là Brazil đã phát triển được ngành công nghiệp sản xuất ethanol từ nhiều năm và đến nay khả năng cạnh tranh rất cao cả về quy mô và giá thành cũng như về nguồn cung ổn định. Trong năm 2011, Thái Lan đã xuất khẩu được 142 triệu lít ethanol. Các thị trường xuất khẩu ethanol chính của Thái Lan là là Nhật Bản, Singapore, Philippines, Ðài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Ngoài ra, các nhà đầu tư Nhật Bản vốn rất thận trọng với các dự án không chắc chắn về nguồn tiêu thụ, đến nay đều đã tham gia đầu tư vào Thái Lan, từ khâu trồng trọt đến chế biến và xuất khẩu. Những tên tuổi lớn về công nghiệp của Nhật Bản như Sumitomo, Ryohin Keikaku và Mitsubishi đều đã có mặt trong ngành ethanol của Thái Lan.

Bài học đắt giá

Chính phủ Thái Lan đã cấp phép cho hơn 24 công ty để xây dựng các nhà máy ethanol, đồng thời nghiên cứu thiết lập “Quỹ ethanol” để đảm bảo sự ổn định của giá nguyên liệu đầu vào. Đầu tư khoảng 30-35 triệu baht/trạm phối trộn, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ethanol sử dụng pha trộn nhiên liệu và thiết lập giá xăng sinh học rẻ hơn so với xăng truyền thuống (RON 95) 1,5
baht/lít nhờ chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, quỹ dầu và thuế bảo tồn năng lượng. Song song với đó là xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về xăng sinh học, ethanol và nhiên liệu gốc, đặc biệt là giao Bộ Năng lượng nghiên cứu về việc sử dụng xăng sinh học trong bộ chế hòa khí, nghiên cứu các tác động môi trường và sửa đổi tiêu chuẩn chất lượng đối với xăng sinh học phù hợp với điều kiện của Thái Lan. Chính phủ cũng kết hợp với các nhà sản xuất công bố các dòng xe được sản xuất sau 1995, tương thích với xăng sinh học.

Để khuyến khích tiêu dùng nội địa, chính phủ đã tăng dây chuyền sản xuất xe có động cơ đa nhiên liệu, điều chỉnh thuế đối với động cơ xe sử dụng nhiên liệu khí (NGV), đa nhiên liệu (FFV), ôtô sinh thái (ECO Car), Hybrid… Bên cạnh đó, thúc đẩy sản xuất xe máy sử dụng xăng E20, tuyên truyền, thuyết phục việc sử dụng E10 đối với xe máy. Ngoài ra, Chính phủ cũng thay đổi quy định, cho phép sử dụng ethanol trong lĩnh vực công nghiệp.

Tuy nhiên, Thái Lan cũng có một kinh nghiệm quý báu trong việc đưa xăng sinh học vào tiêu thụ trên thị trường nhưng họ đã sửa những sai lầm đã mắc phải trong vài năm trở lại đây.

Nếu như Mỹ và Brazil chỉ công bố tỷ lệ phối trộn ethanol vào xăng khi tỷ lệ này lớn hơn 10% thì vài năm trước đây, Thái Lan đã công bố tỷ lệ pha trộn ethanol vào xăng, dầu và cho người tiêu dùng sự lựa chọn giữa xăng thông thường và xăng pha NLSH. Tuy nhiên, hiện nay Thái Lan đã nhận ra việc đưa sự lựa chọn cho người tiêu dùng là sai lầm bởi vì nếu lưu hành song song 2 loại xăng trên thị trường, một là xăng thông thường, hai là xăng pha ethanol (E5) thì một số người sử dụng, đặc biệt là các chủ sở hữu xe hạng sang sẽ có sự đắn đo. Họ không quan tâm và cũng không cần biết xăng E5 này rẻ hơn xăng thông thường là bao nhiêu mà chỉ nghĩ đơn thuần là rẻ hơn thì có thể chất lượng kém hơn và chiếc xe đắt tiền của mình nên sử dụng loại xăng nào tốt hơn. Từ đây, người tiêu dùng sẽ có xu hướng miễn cưỡng trong việc sử dụng nhiên liệu mới và họ chỉ muốn sử dụng các loại nhiên liệu thông thường đã quen và được họ cho là tốt hơn.

Ở Thái Lan, khi đưa xăng E10 ra thị trường, chính phủ đã định giá loại xăng này thấp hơn xăng truyền thống 30-40cent/lít để khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang dùng xăng E10. Vì thế, tính đến năm 2013, ngân sách thường niên để trợ giá cho xăng E10 đã lên tới 1 tỉ USD/năm. Chính phủ Thái Lan cũng thấy nếu cho người tiêu dùng lựa chọn thì việc đưa xăng E10 vào sử dụng rộng rãi rất khó khăn và tốn kém.

Rút kinh nghiệm từ việc này, Chính phủ Thái Lan đã thay đổi cách tiếp cận khi đưa dầu diesel sinh học vào thị trường. Họ đã tự động áp dụng tỷ lệ phối trộn 3% NLSH vào dầu diesel (B3) và công bố cho các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sản phẩm dầu diesel mà không nói với người tiêu dùng là có tỷ lệ như vậy. Gần đây, Thái Lan đã nâng tỷ lệ phối trộn NLSH vào dầu diesel lên 5% (B5) và tiến hành phân phối dầu diesel sinh học B5 ở mức giá thành thấp hơn. Tuy nhiên, thực tế thị trường cho thấy, việc tồn tại 2 cấp độ phối trộn này (B5 và B10) cũng không khiến việc phân phối NLSH đạt hiệu suất cao hơn. Do đó, họ thấy chỉ nên phân phối một cấp độ NLSH thôi. Đến giữa năm nay, Thái Lan dự định sẽ áp dụng chung tỷ lệ phối trộn NLSH vào dầu diesel là 10% (B10) và cũng sẽ không công bố cho người tiêu dùng. Điều đó giúp Thái Lan tiết kiệm chi phí và không phải trợ giá cho dầu diesel sinh học nữa.

Nguồn: PetroTimes