Mặc dù xăng sinh học E5 có nhiều lợi ích đối với hoạt động vận tải hàng hóa và cuộc sống con người, nhưng để người dân hiểu được những lợi ích này, rất cần một chiến lược truyền thông phù hợp.
Từ 1/12/2014, xăng E5 sẽ được thí điểm sử dụng tại 7 tỉnh thành
Nhiều ngày qua, trong dư luận có rất nhiều luồng ý kiến xung quanh chủ trương Chính phủ sẽ thí điểm sử dụng xăng sinh học E5 cho phương tiện xe cơ giới tại 7 địa phương trên cả nước (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu), bắt đầu từ ngày 1/12/2014.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ áp dụng thí điểm ban đầu tại 7 địa phương sẽ mở ra cơ hội giải “cơn khát” năng lượng hóa thạch đang sử dụng thịnh hành trên thị trường hiện nay (xăng dầu,…). Lâu nay, truyền thông dù nói nhiều, ngay các chuyên gia khoa học lên tiếng không ít về lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu sạch, trong đó có xăng sinh học E5 nhưng lại chưa “vào” được với công chúng.
Nhưng ngay cả vấn đề nhận diện những khí thải độc hại giữ nhiệt trong khí quyển do các loại xăng truyền thống gây ra đối với môi trường (CO2, N20, CH4, O3, HC) thì không phải người dân nào cũng có điều kiện tìm hiểu. Vì có hiểu tác hại của các dạng năng lượng này thì mới tạo được thiện cảm từ phía người dân khi chuyển sang dùng xăng sinh học (dù giá thành có thể cao hơn).
Mới đây, tôi có đọc ý kiến của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) về vấn đề trên và chợt nảy ra một số suy ngẫm, nhất là trong bối cảnh tuyên truyền trong dân chúng hiểu về giảm phát thải carbon gây hiệu ứng nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay. Đây đang là vấn đề mà nhiều cấp, bộ ngành đang đặc biệt quan tâm.
Việc triển khai sử dụng xăng sinh học, nôm na là “xăng sạch” sẽ tạo ra những lợi ích rất thiết thực cho môi trường, vốn tồn tại nhiều khí độc hại. Bên cạnh đó, chiếc ô tô ngày nay đã trở thành một phương tiện cần thiết trong cuộc sống của con người. Vì thế, tỉ lệ tăng trưởng trong sản xuất ô tô đạt xấp xỉ 3%/năm. Điều này đồng nghĩa với việc lượng ô tô lưu thông mỗi năm mỗi tăng.
Cùng với sự tăng trưởng về số lượng ô tô, một mâu thuẫn nảy sinh trong sự phát triển của xã hội là vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải độc hại từ động cơ xe ô tô, xe máy thải ra không khí quanh ta. Nguồn ô nhiễm này trở thành mối đe dọa chính cho cuộc sống của con người, đặc biệt ở các thành phố có mật độ xe cơ giới cao, mối nguy hiểm này càng lớn.
Thế nhưng, người dân hiện còn khó nhận diện khí thải độc hại giữ nhiệt trong khí quyển - gọi là khí nhà kính, gồm CO2, N20, CH4, O3, HC. Điều này giống như việc trả lời cho câu hỏi tại sao ô tô, xe máy lại gây ô nhiễm môi trường và chúng ô nhiễm từ đâu? Theo lý thuyết, quá trình cháy lý tưởng chỉ sinh ra CO2, H2O và N2. Nhưng trong thực tế, quá trình cháy xảy ra trong buồng cháy của động cơ không lý tưởng như vậy. Quá trình cháy thực tế sinh ra các chất độc nguy hiểm như: NOx , CO, CnHm , SO2, và bụi hữu cơ,… Chính những chất này là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường.
Ví dụ như tại TP.HCM, các nhà khoa học đã báo động về tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ các chất độc hại trong không khí như: benzene, nitơ oxit… Nồng độ bụi đặc trưng PM10 có nơi đạt tới 80 microgam /m3 trong khi nồng độ cho phép nhỏ hơn con số này nhiều lần. Nồng độ SO2 lên đến 30 microgam/m3, nồng độ benzene có nơi đạt 35-40 microgam/m3. Và hàng năm, tại Việt Nam, các phương tiện giao thông đã thải ra 6 triệu tấn CO2; 61.000 tấn CO; 35.000 tấn NO2; 12.000 tấn SO2 và hơn 22.000 tấn CmHn. nồng độ các chất có hại trong không khí ở các đô thị lớn vượt quá mức cho phép nhiều lần, riêng SO2 cao gấp 2-3 lần.
Xét từ nhiều góc độ khác nhau thì việc bước đầu đưa xăng sinh học E5 vào sử dụng cho xe cơ giới sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Một trong những lợi ích quan trọng của xăng sinh học là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm hiệu ứng nhà kính do độ phát thải khí thấp hơn so với khi sử dụng các loại xăng truyền thống.
Tuy nhiên, bài toán đặt ra là người dân cần hưởng ứng chủ trương này như thế nào, đặt ra bài toán đối với công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi. Đó là vì nếu đầu tư thích đáng cho nghiên cứu và ứng dụng KH&CN, mà “quên” đầu tư cho truyền thông, phổ biến khoa học thường thức thì chắc chắn không tạo được sự hưởng ứng tích cực từ dân chúng. Đó là chưa kể những hiểm họa về môi trường, thiên tai, biến đỏi khí hậu khó ngăn chặn kịp nếu phụ thuộc vào các dạng năng lượng hóa thạch như hiện nay.
Nguồn: PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên GV Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM