Mới đây, sự hợp tác mang tính đột phá trong việc phát triển công nghệ bảo vệ môi trường giữa Tập đoàn Isuzu Motors và Công ty Euglena (Nhật Bản) để cho ra đời một loại nhiên liệu mới từ tảo xanh có thể dùng thay thế các sản phẩm xăng dầu hiện nay đối với dòng xe bán tải, xe buýt và một số dòng xe thương mại khác.
Xe buýt Isuzu dùng nhiên liệu tảo xanh
Hợp tác vì môi trường
Tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Isuzu Motors và Công ty Euglena (công ty chuyên nuôi trồng tảo Euglenophyta xanh với quy mô công nghiệp) đã ký kết một thỏa thuận về phát triển động cơ và sản xuất nhiên liệu từ tảo xanh. Đây được cho là bước phát triển đột phá của một thế hệ mới sản phẩm nhiên liệu sinh học nhằm thay thế các sản phẩm xăng, dầu diesel hiện nay. Ngày 1-7, chiếc xe buýt đầu tiên trên thế giới của Tập đoàn Isuzu Motors hoạt động bằng nhiên liệu sinh học được sản xuất từ tảo xanh bắt đầu lăn bánh trên các con phố ở thành phố Fujisawa (Nhật Bản). Chiếc xe buýt này có thể chạy được 22 chuyến trong ngày mà chỉ dùng nhiên liệu sinh học từ tảo xanh. Các nhà khoa học của 2 công ty đang kỳ vọng có thể tiến tới phát triển một hệ thống xe buýt đầu tiên trên thế giới chạy bằng nhiên liệu sinh học từ tảo xanh vào năm 2018 hoặc có thể sớm hơn kế hoạch trong dự án.
Ưu điểm vượt trội
Hiện nay, các công ty, tập đoàn sản xuất và lắp ráp ô tô trên toàn thế giới vẫn đang thực hiện tiêu chí tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Do vậy, phát triển những dòng xe “xanh” chạy bằng nhiên liệu sinh học vẫn là bước ưu tiên hàng đầu. Thành công bước đầu của dự án xe buýt chạy bằng nhiên liệu từ tảo xanh của Isuzu Motors và Euglena cho thấy, phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học đang là mối quan tâm lớn nhất và có triển vọng nhất trong số những sản phẩm nhiên liệu vì môi trường có thể thay thế cho xăng và dầu diesel.
Lý do đơn giản là vì nếu sử dụng nhiên liệu bằng khí hydro và điện như hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời và không giải quyết được vấn đề chính là khả năng chạy đường dài của những chiếc xe mà không phải dừng lại để tiếp thêm nhiên liệu. Tuy nhiên, nhược điểm của nhiên liệu sinh học là gây tải trọng lớn cho phương tiện, “chúng tôi hy vọng sau 4 năm chúng tôi có thể tạo ra công nghệ cho phép sử dụng nhiên liệu sinh học 100% từ tảo xanh”, đại diện Isuzu Motors cho biết. Được biết, dầu tinh chế từ tảo xanh Euglenophyta có chứa một hợp chất thu hút sự chú ý của các nhà khoa học, là nguyên liệu tiềm năng cho nhiên liệu sinh học với chi phí rẻ hơn và rất có thể nó sẽ khắc phục được những nhược điểm của các dòng nhiên liệu thông thường khác. Ngoài ra, nó có chứa nhiều chất diệp lục nên có thể hấp thụ carbon dioxide (CO2), một yếu tố rất cần thiết trong việc bảo vệ môi trường hiện nay.
Tảo xanh được trồng ở công ty Euglena
Ứng dụng nhiên liệu sinh học
Ở Việt Nam hiện nay, xăng E5, E10 và Bio-diesel B5 vẫn đang được bán, sử dụng và dự kiến đưa vào sử dụng trên toàn quốc vào năm 2015. Loại xăng này được dùng rộng rãi trên nhiều phương tiện, giúp giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm lượng khí thải. Tính đến nay đã có 6 chuyến bay sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học và đã cất, hạ cánh rất an toàn và thành công, trong đó có 4 chuyến bay từ trụ sở Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ở Montreal, Canada đến Rio de Janeiro, Brazil. Nhiên liệu sử dụng trong 6 chuyến bay này được chiết xuất từ dầu ăn đã qua sử dụng, dầu ngô, dầu vừng Đức, từ những rỉ đường trong công nghiệp sản xuất mía đường. Qua đó, các nhà chức trách điều hành, quản lý hệ thống giao thông khẳng định rằng, việc sử dụng nhiên liệu sinh học là một trong những giải pháp để phát triển giao thông một cách bền vững, đồng thời góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Nguồn: Ria/Japanrealtiems