Ô nhiễm môi trường vì xe quá đát

Ngày 11/08/2014

Hiện nay, cùng với tình trạng di dân quá nhiều khiến các khu đô thị lớn ở nước ta như Hà Nội, TP HCM, Biên Hòa… đang là nơi tập trung quá nhiều phương tiện giao thông.

Trong số đó, rất nhiều các phương tiện đã cũ kỹ, quá hạn sử dụng nhưng các chủ phương tiện, vì nhiều lý do khác nhau vẫn sử dụng chúng gây ra hậu quả là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng bởi lượng khí thải độc hại xả ra môi trường không khí. Và đặc biệt, thói quen bảo trì, bảo dưỡng đăng kiểm xe cũ, xe máy theo định kỳ ở nước ta hầu như không được bất cứ ai tuân thủ càng làm cho tình trạng ô nhiễm thêm nặng nề.

Lệnh cấm mà xe vẫn chạy

Từng được coi là những phương tiện giao thông công cộng thông dụng nhất ở nước ta từ những năm 1970, xe lam (tức Lambro), một dòng xe nhỏ chuyên chở hàng hóa, hành khách đã bị Chính phủ hạn chế và cấm lưu hành ở những khu vực đô thị từ năm 2004. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 10 năm, chuyện xe lam xuất hiện ở thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Mỹ Tho, Cần Thơ…không phải là chuyện lạ. Người dân có thể dễ dàng thấy chúng chạy trên đường, nhất là các khu vực ngoại ô. Điều đáng nói hơn, nhiều loại xe lam hiện nay còn được các chủ xe sửa sang, gắn thêm các thùng xe mới, sơn lại để sử dụng. Mặc dù không chở khách nhưng xe lam hiện nay vẫn chở hàng hóa, đồ dùng hay để chở rác thải. Có thể nói, việc sử dụng xe lam chạy trên đường là một việc làm khá nguy hiểm bởi ngoài việc dễ gây tai nạn, không an toàn thì lượng khí thải độc CO2 thải ra môi trường của những dòng xe cũ kỹ này là quá tiêu chuẩn cho phép. Ngoài xe lam, chúng ta còn thấy xuất hiện rất nhiều loại xe máy cũ kỹ, xe ba-gác tự chế được người dân tự sửa sang lại để chở hàng hóa. Đặc điểm chung của các loại xe này là cũ kỹ, đã quá giới hạn đăng kiểm nhưng vẫn được sửa sang lại để di chuyển, chở hàng hóa như bánh mì, nước đá, bia, nước ngọt…

Ngoài ra, có một thực tế là ở Việt Nam, các phương tiện giao thông như xe máy, xe ba gác, xe tự chế…thường ít hoặc không được các cơ quan đăng kiểm kiểm tra thường xuyên. Nghĩa là, ai thích sử dụng những loại xe này thì tùy, không thể nào kiểm soát, hạn chế hết được. Chính điều này đã làm tăng thêm nguy cơ nồng độ khí thải trong môi trường ở các khu đô thị thêm cao hơn, bên cạnh lượng khí thải lớn do các loại xe cộ bình thường khác. Cụ thể, theo Cục đăng kiểm Việt Nam thì cả nước hiện nay có khoảng gần 30 triệu chiếc xe máy, trong đó có đến 60% là tập trung ở các khu đô thị lớn. Cụ thể, như ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, lượng các chất thải như PM10, CO, HC, NOx và các chất phụ gia trong xăng như benzene… là rất cao, hầu như đều vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

Ngoài ra, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, khoảng năm 2005, Chính phủ đã ban hành tiêu chuẩn về khí thải đối với các phương tiện cơ giới nhưng lúc đó cơ quan đăng kiểm mới tiến hành kiểm tra ô tô. Còn riêng đối với xe máy, tuy chưa chính thức kiểm soát khí thải nhưng theo kết quả khảo sát, có hơn 50% xe máy đang lưu hành hiện nay không đạt tiêu chuẩn. Cụ thể, theo mức tiêu chuẩn đã công bố là 4,5 CO và 1.500 HC (đối với xe sử dụng động cơ 4 kỳ) và 10.000 HC (động cơ 2 kỳ) thì có thể 50% xe máy hiện nay phải bảo dưỡng, thay thế một số phụ tùng như xu páp, bộ chế hòa khí… mới được phép lưu hành. Từ đó có thể thấy, hầu hết các loại xe máy ở nước ta hiện nay đang xả thải ra không khí nhiều hơn mức cho phép với một số lượng lớn các chất thải độc hại. Và tất nhiên, đây chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, khói bụi ô nhiễm ở các khu đô thị lớn đang ngày một tăng cao. Ngoài ra, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thì việc bảo trì, bảo hành các bộ phận khí thải thường xuyên ở xe máy sẽ giúp lượng khí thải giảm đi đáng kể, có thể lên đến 30 hoặc 40 % so với khi không bảo dưỡng. Và đấy chính là giải pháp có thể ngăn chặn, làm giảm lượng khí thải độc hại này ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, thực tế thì việc này chưa được diễn ra thường xuyên và cũng chưa nhận được sự chấp hành tốt của người dân. Bên cạnh đó, Cục đăng kiểm cũng đề xuất, với từng loại xe sẽ có tuổi đời cụ thể quy định xe phải bảo trì bảo dưỡng ở những cơ quan đăng kiểm. Ví dụ như xe máy quá 10 năm sử dụng thì phải đi đăng kiểm và sữa chữa lại, bảo dưỡng lại một số bộ phận nhằm đảm bảo an toàn giao thông và lượng khí thải cho phép.

Có thể nói, so với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… việc kiểm soát khí thải của những phương tiện đang lưu thông ở nước ta là khá chậm chạp và chưa thực sự hiệu quả. Điều này chính là nguyên nhân khiến tình trạng khí độc hại thải ra môi trường ngày một cao hơn trước. Và điều này cũng khiến môi trường sống không chỉ của con người mà ngay cả những hệ sinh thái động thực vật khác ở thành phố cũng bị biến đổi, đe dọa nghiêm trọng.

Hiểm họa từ những khí thải

Theo nhiều chuyên gia môi trường, rất nhiều nguy cơ bệnh tật mà chủ yếu là ung thư mà con người mắc phải khi thường xuyên phải hít khí thải độc hại từ chất thải xe cộ. Theo đó, khi xăng dầu bị đốt cháy, thường có nhiều khí CO2 được phát tán ra môi trường. Mặt khác, theo nhiều nghiên cứu thì khí thải của ô tô ít độc hại với sức khỏe con người hơn so với xe máy. Nghĩa là, ở nước ta, lượng xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu thì việc khí thải của chúng lẫn vào môi trường càng độc hại, gây lên nhiều loại bệnh khác nhau. Đầu tiên có thể dễ thấy nhất chính là bệnh hô hấp khi mà phổi là nơi trực tiếp hấp thụ những khí thải này. Tuy nhiên, đó chưa phải là căn bệnh duy nhất mà con người có thể mắc phải nếu thường xuyên hít phải khí thải xe máy. Cụ thể, theo các bác sỹ thì khí thải độc hại từ xăng dầu đốt ra có thể khiến con người dễ bị rối loạn một số loại hooc-môn như ở hệ thần kinh, hệ sinh sản. Ngoài ra, khí thải còn là tác nhân dẫn tới một số loại bệnh nguy hiểm hơn như ung thư hoặc ảnh hưởng xấu tới quá trình mang thai của phụ nữ khiến những em nhỏ sinh ra bị rối loạn một số cơ quan.

Bên cạnh đó, theo những nghiên cứu mới đây thì khí thải xe cộ còn là tác nhân quan trọng dẫn tới bệnh tiểu đường. Theo nghiên cứu này, nếu những người dân thường xuyên phải hít thở không khí ô nhiễm do khí thải xe cộ trong vòng 10 năm sẽ có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao gấp 3 lần những người sinh sống ở các khu vực trong lành hơn về môi trường sinh thái. Nghiên cứu còn cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này chính là khí Ni-tơ Đi-ô-xít, một trong những chất thải chủ yếu của xe cộ đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc con người bị mắc bệnh tiểu đường.

Có thể nói, việc khí thải của các phương tiện giao thông trực tiếp tác động xấu lên sức khỏe con người là điều không phải bàn cãi. Vì thế, bên cạnh việc hạn chế hoặc ngăn chặn những chiếc xe có tuổi đời sử dụng quá cao, người dân còn phải nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trước những tác hại này. Đó chính là việc phải tự ý thức sử dụng những phương tiện xe tiên tiến cũng như việc đi bảo dưỡng, đăng kiểm đúng thời hạn quy định. Ngoài ra là tuyên truyền, cảnh báo những người xung quanh hạn chế sử dụng những loại phương tiện giao thông quá đát gây hại cho môi trường để chúng ta có một môi trường sống trong sạch và trong lành hơn.

Nguồn: doisongphapluat.com