Bảo vệ môi trường trong xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải

Ngày 11/08/2014

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-BGTVT về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 14).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-BGTVT về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 14).

Chỉ thị nêu rõ, nhằm khắc phục một số tồn tại, giảm thiểu tối đa mức độ gây ô nhiễm và nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 14), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ dự án (Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Sở Giao thông vận tải, Nhà đầu tư) phải có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch về nguồn nhân lực, kinh phí, thời gian để thực hiện công tác bảo vệ môi trường ngay từ bước lập dự án; hoàn thiện việc lập, thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi dự án được phê duyệt, triển khai các nội dung về bảo vệ môi trường trong các giai đoạn tiếp theo của dự án. Bảo đảm chất lượng lựa chọn tư vấn môi trường theo các quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và quy định về điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

Sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được phê duyệt, chủ dự án có trách nhiệm: lập, phê duyệt, niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường để triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát; bố trí cán bộ có đủ năng lực triển khai công tác bảo vệ môi trường tại các gói thầu; xây dựng các biện pháp thi công, tổ chức thi công tối ưu; thực thi các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm phù hợp; giảm tối đa mức độ ô nhiễm môi trường…; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà thầu trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đối với từng gói thầu của dự án…

Đối với nhà thầu thi công, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu cam kết thực hiện đầy đủ những nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình thi công. Bảo đảm tổ chức thi công hợp lý và an toàn giao thông, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hiện hành; trường hợp để xảy ra ô nhiễm, ùn tắc, tai nạn giao thông phải kịp thời khắc phục ngay hậu quả theo quy định của pháp luật.

Đối với Tư vấn môi trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ dự án về các thông tin, số liệu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường và báo cáo quan trắc, giám sát môi trường đã được phê duyệt. Xác định rõ phạm vi, quy mô của dự án để thực hiện đánh giá tác động môi trường; đề xuất kinh phí thực hiện biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường phù hợp, không gây lãng phí. Đồng thời, phải có Giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp khi thực hiện các gói thầu về quan trắc môi trường.

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành căn cứ vào chức năng nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm: tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong giai đoạn thi công để hạn chế mức độ ô nhiễm không khí, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong khu vực dự án; đặc biệt lưu ý đối với dự án vừa thi công vừa khai thác và các dự án trọng điểm nâng cấp Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên.

Nguồn: daibieunhanhdan.vn