Quảng Trị: Tăng cường quản lý vận tải hành khách để giảm thiểu tai nạn giao thông

Ngày 12/08/2013
Tại tỉnh Quảng Trị 6 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 154 vụ TNGT, làm chết 72 người, bị thương 143 người. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giảm 19, số người bị thương giảm 47, nhưng số người chết lại tăng 12 người.
Tại tỉnh Quảng Trị 6 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 154 vụ TNGT, làm chết 72 người, bị thương 143 người. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giảm 19, số người bị thương giảm 47, nhưng số người chết lại tăng 12 người.

Ông Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: “Trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém tác động tiêu cực đến chất lượng dịch vụ vận tải nói chung và dịch vụ hành khách nói riêng. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chở quá tải, “xe dù”, “bến cóc”, đón trả khách không đúng nơi quy định, tranh giành khách, bán khách... vẫn tồn tại”.

Để thúc đẩy sự phát triển của lực lượng vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, đảm bảo an toàn thì cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành và của chính các đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ. Trong đó, trước hết cần đổi mới công tác quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại nhằm tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng đề án “Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải”, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại các đơn vị vận tải đường bộ phát triển theo hướng hiện đại, đạt được hiệu quả kinh tế- xã hội ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế và khu vực.

Một trong những nội dung chủ yếu của đề án là đổi mới quản lý hoạt động vận tải hành khách gồm: đổi mới quản lý phương tiện; đổi mới quản lý lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; đổi mới quản lý hoạt động vận tải và an toàn giao thông. Các phương tiện của các đơn vị kinh doanh được đánh giá, phân loại theo tiêu chí về xuất xứ, thời gian sử dụng, các thiết bị khác trên xe. Lái xe được quản lý đánh giá trong quá trình đào tạo, sát hạch, quá trình hành nghề thông qua kết nối dữ liệu về xử lý vi phạm và TNGT giữa ngành giao thông và công an.

Phân loại lái xe, nhân viên phục vụ trên xe qua các tiêu chí: kết quả lái xe an toàn, thời gian hợp đồng, thâm niên lái xe, công tác tập huấn giáo dục lái xe. Qua đánh giá thực hiện các nội dung, tiêu chí nêu trên, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách sẽ được chấm điểm để xếp loại chất lượng dịch vụ và công bố công khai. Đánh giá này kết hợp với ban hành quy định cụ thể về phạm vi hoạt động, loại hình được phép kinh doanh tương ứng với loại đơn vị sẽ góp phần loại bỏ những đơn vị vận tải yếu kém, nguy cơ gây TNGT cao, khuyến khích các đơn vị làm tốt công tác quản lý chất lượng dịch vụ.

Theo chúng tôi, khi triển khai đề án này, cần cụ thể hoá việc đổi mới trong từng lĩnh vực vận tải hành khách. Trong kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định cần cập nhật dữ liệu và công bố công khai trên từng tuyến vận tải như: lịch trình xe xuất bến, đơn vị thực hiện, giá vé, chất lượng dịch vụ trên tuyến. Khắc phục tình trạng xe khách đăng ký trá hình xe du lịch ra đường giành đón khách gây mật trật tự an toàn giao thông.

Nếu đánh giá thang điểm theo các tiêu chí thì chỉ những đơn vị đủ điều kiện mới được hoạt động kinh doanh vận tải hoặc những đơn vị có chất lượng dịch vụ ở mức nhất định mới được phép tham gia kinh doanh vận tải trên các tuyến đường dài, vận tải quốc tế và mở rộng phạm vi kinh doanh. Ngược lại, những đơn vị đạt thứ bậc thấp chỉ được hoạt động trong phạm vi hẹp hơn. Các lực lượng chức năng có hình thức kiểm tra, kiểm soát giao thông trên đường phù hợp với từng thứ hạng về chất lượng phương tiện và dịch vụ vận tải. Như thế mới từng bước góp phần giảm thiểu TNGT nghiêm trọng trên các tuyến đường.

Nguồn: Báo Quảng Trị