Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy vùng hồ thủy điện Sơn La

Ngày 11/09/2012
Sơn La là tỉnh miền núi có mạng lưới giao thông thủy thuận lợi trong việc giao thương, đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, với hai tuyến chính trên sông Ðà và sông Mã. Tuy nhiên, công tác quản lý giao thông thủy nội địa ở đây đang còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là từ khi tích nước lòng hồ thủy điện Sơn La.
Sơn La là tỉnh miền núi có mạng lưới giao thông thủy thuận lợi trong việc giao thương, đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, với hai tuyến chính trên sông Ðà và sông Mã. Tuy nhiên, công tác quản lý giao thông thủy nội địa ở đây đang còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là từ khi tích nước lòng hồ thủy điện Sơn La.

Mấy năm gần đây, tai nạn giao thông đường thủy nội địa ở tỉnh Sơn La đã giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, vì công tác quản lý còn nhiều bất cập. Theo thống kê, sông Ðà đi qua địa phận tỉnh Sơn La dài 286 km, riêng đoạn lòng hồ thủy điện Hòa Bình dài 153 km và đoạn lòng hồ thủy điện Sơn La dài 133 km. Trong đó, đoạn hồ thủy điện Hòa Bình đã được Cục Ðường thủy nội địa (Bộ Giao thông vận tải) cấp phép công nhận là tuyến thủy nội địa quốc gia. Trên tuyến này có khoảng 2.300 phương tiện thuyền bè, phương tiện vận tải, trong đó có 200 phương tiện có trọng tải từ 20 tấn trở lên lưu hành. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng tuyến giao thông này đã lập trạm kiểm soát giao thông đường thủy Bến Khủa (Công an Sơn La) phối hợp Ðoạn quản lý đường sông số 9 (đóng tại Hòa Bình) tăng cường công tác quản lý. Trên tuyến này có khoảng 20 điểm chợ ven sông và khoảng 30 bến đò ngang, đón khách, vận chuyển hàng hóa cho nhân dân dọc sông Ðà.

Việc tuyến đường thủy lòng hồ thủy điện Sơn La từ chân đập thủy điện Sơn La đến thị xã Mường Lay (Lai Châu) dài khoảng gần 200 km mới hình thành sau khi đóng cống tích nước (tháng 5-2010) chưa được công nhận là tuyến thủy nội địa quốc gia, nên thời gian qua chưa có cơ quan nào tham gia quản lý, giải quyết tranh chấp. Trên tuyến này có hàng nghìn phương tiện, hàng trăm bến đò liên quan việc đi lại và cuộc sống người dân ở hàng chục điểm tái định cư, bản làng ven hồ thủy điện Sơn La. Năm 2011, Cục Ðường thủy nội địa đã phối hợp Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La khảo sát toàn tuyến,nhưng từ đó đến nay mới dừng ở việc nghiên cứu, xem xét, chưa đưa ra kết luận cụ thể.

Khó khăn lớn nhất trong việc quản lý giao thông đường thủy trên tuyến hồ thủy điện Sơn La là nhận thức của nhân dân sống ven sông Ðà và ven hồ thủy điện còn nhiều hạn chế về chấp hành pháp luật giao thông đường thủy. Theo thông kê, đến nay mới có khoảng gần 35% số phương tiện và 20% số người điều khiển phương tiện trên sông nước được các cơ quan quản lý cấp phép hoạt động. Hầu hết các phương tiện giao thông đều thiếu thiết bị an toàn, nhất là dụng cụ cứu sinh, người điều khiển phương tiện chưa được đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn, thiếu hiểu biết về pháp luật. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Sơn La, trong tháng 8-2012, Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La mới chỉ đăng ký cho 10 trường hợp đăng ký mới, đây là con số rất nhỏ so với hàng chục phương tiện đóng mới hằng tháng và hàng nghìn phương tiện chưa được theo dõi quản lý trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Hiện tại huyện Quỳnh Nhai là địa phương có diện tích lòng hồ lớn nhất, đang tồn tại hàng chục điểm đóng tàu thuyền tại xã Chiềng Bằng, Pá Ma - Pha Khinh, Mường Chiên, Cà Nàng, nhưng hoàn toàn tự phát, không theo quy định và chưa được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Vì vậy, các phương tiện đang hoạt động trên sông Ðà và hồ thủy điện Sơn La đều tự chế. Tháng 11-2010, một chiếc thuyền tự chế bằng xi măng cốt sắt từ huyện Phù Yên đến tham gia đánh bắt tôm cá va đập vào đá ngầm và bị vỡ, may có thuyền khác hỗ trợ nên không chết người.

Lòng hồ thủy điện Sơn La rộng, có chỗ chiều ngang đến 7-8 km, khi gặp sóng to gió lớn, nếu không nắm được luồng lạch, hướng tuyến, phương tiện lưu hành khó tránh rủi ro. Mức nước dâng hồ thủy điện Sơn La theo mùa, độ chênh lớn hàng chục mét nước, nên có nhiều ụ đá, mỏm đồi, cây cối chưa dọn dẹp hết tiềm ẩn tai nạn giao thông. Việc phương tiện chưa được đăng ký, người điều khiển chưa qua đào tạo, thiếu kinh nghiệm đang là thách thức trong quản lý phương tiện trên vùng hồ thủy điện Sơn La.

Trước những bất cập nêu trên, UBND tỉnh Sơn La đã điều chỉnh bổ sung và công bố quy hoạch phát triển giao thông giai đoạn 2011-2020 gắn với quy hoạch các điểm tái định cư ven hồ thủy điện Sơn La. Mặt khác phối hợp Cục Ðường thủy nội địa tiến hành rà soát lại toàn bộ các phương tiện đang lưu hành trên tuyến hồ thủy điện Hòa bình và Sơn La, tăng cường công tác thẩm định, cấp phép lưu hành, chứng chỉ vận hành phương tiện giao thông đường thủy cho nhân dân. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy và các quy định của chính quyền địa phương. UBND tỉnh Sơn La tiếp tục thực hiện chủ trương hỗ trợ kinh phí khuyến khích đào tạo, đăng ký phương tiện giao thông thủy nội địa, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh đi học trên tuyến giao thông thủy vùng di dân thủy điện Sơn La.

Ðáng chú ý, Cục Ðường thủy nội địa phối hợp tỉnh Sơn La tiến hành khảo sát, để công nhận tuyến từ đập thủy điện Sơn La đến thị xã Mường Lay (Lai Châu) là tuyến giao thông thủy nội địa quốc gia, đưa vào quản lý, đầu tư bảo đảm luồng lạch, hướng tuyến, mốc giới theo quy chuẩn. Qua đó xác định các vị trí điểm đen giao thông, nơi cảnh báo nguy hiểm, biển báo luồng, tránh tình trạng buông lỏng quản lý như hiện nay.

Theo báo Nhân dân