Bất hợp lý quy hoạch giao thông

Ngày 21/09/2012
Năm 2012 được xác định là Năm An toàn giao thông (ATGT). Trên cả nước đã tổ chức thực hiện đồng loạt các biện pháp kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, như: phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, tuyên truyền giáo dục để người dân nâng cao ý thức về ATGT; tăng cường trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm... Đã có những chuyển biến bước đầu đáng ghi nhận, tuy nhiên nhìn toàn cảnh bức tranh giao thông vẫn chưa thấy sáng sủa.
Năm 2012 được xác định là Năm An toàn giao thông (ATGT). Trên cả nước đã tổ chức thực hiện đồng loạt các biện pháp kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, như: phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, tuyên truyền giáo dục để người dân nâng cao ý thức về ATGT; tăng cường trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm... Đã có những chuyển biến bước đầu đáng ghi nhận, tuy nhiên nhìn toàn cảnh bức tranh giao thông vẫn chưa thấy sáng sủa.

Một số thành phố đã áp dụng các giải pháp tình thế như bố trí lệch giờ học và tan ca, bố trí đường một chiều, phân luồng tuyến rẽ… cũng chỉ tạm thời giải quyết được tình trạng kẹt xe trong thời gian ngắn, rồi chẳng bao lâu lại tiếp tục ùn tắc. Có nơi còn chặn giao lộ, bố trí lưu thông đường một chiều… nhưng rồi lại gây ra ùn tắc trầm trọng hơn vì quãng đường và thời gian các xe lưu thông trên đường tăng lên quá nhiều. Thực tế cho thấy đang còn nhiều việc phải làm: phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị; tạo dựng nền tảng để hình thành văn hóa giao thông; kiên quyết dọn sạch lòng lề đường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về ATGT...

Ngoài ra, một bất cập bộc lộ rất rõ là quy hoạch giao thông còn bất hợp lý. Nhiều công trình giao thông tại TPHCM mới đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã nhanh chóng lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu phát triển giao thông.

Cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Chánh Hưng là tuyến giao thông chính nối trục Bắc Nam TPHCM, lẽ ra phải thiết kế một cầu dài băng qua cả 2 con kênh và cũng là cầu vượt trên cạn thế nhưng lại thiết kế 2 cầu liên tiếp và rất hẹp, vừa xuống dốc cầu này gặp giao lộ, rồi lên dốc cầu kia, hậu quả là ngày nào trên cầu cũng ùn tắc, xe đang lao dốc lại phải dừng đèn đỏ trên cầu. Đường Võ Văn Kiệt mới đưa vào sử dụng đã phải phân luồng lại, không theo thiết kế ban đầu. Hai đường nhỏ hai bên được thiết kế làm đường cho xe đạp, nay đổi lại làm đường dành cho xe máy thì quá hẹp, lại phải làm dải phân cách dành thêm một phần đường ô tô cho xe máy, tốn kém thêm rất nhiều mà vẫn bất hợp lý vì đường vẫn hẹp, xe buýt muốn dừng trạm lại phải lao qua chắn hết làn đường xe máy. Chưa kể cao độ mặt đường quá thấp nên dù không mưa mặt đường vẫn ngập khi nước kênh dâng cao. Các cầu vượt bộ hành, nơi cần không có, nơi có không cần. Ở cách giao lộ có đèn tín hiệu giao thông chừng 50m lại có cầu vượt, người đi bộ chỉ cần chờ đèn đỏ để qua đường ở giao lộ thay vì phải leo lên, leo xuống cả trăm bậc thang cầu vượt. Trong khi đó lại thiếu cầu vượt bộ hành tại những nơi lưu lượng xe quá nhiều, có rào chắn ngăn dọc tuyến đường. Tại nhiều khu đô thị mới, quy hoạch đường giao thông rất hẹp, lại ít thông nhau nên ngay khi mới hình thành, khu đô thị đã trở nên bức bối, chật chội.

Thực tế hiện nay ở các thành phố lớn có rất nhiều trung tâm thương mại, chung cư cao tầng xây dựng tại khu vực trung tâm nhưng khi cấp phép xây dựng, cơ quan quản lý không cẩn trọng xem xét có bãi đậu xe đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và làm việc. Do không có bãi đậu xe nên khách hàng đến giao dịch cứ đậu xe tràn lan dưới lòng đường. Sau khi xây dựng khu trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, chung cư…, giá trị đất khu vực này sẽ tăng lên. Đến khi đó, nếu muốn mở rộng, nâng cấp đường, nhà nước phải tốn nhiều kinh phí giải phóng mặt bằng. Thực tế nhiều dự án công trình giao thông đã bế tắc vì vướng đền bù, giải tỏa. Điều đó cho thấy chưa có sự phối hợp đồng bộ ngay từ khi quy hoạch.

Longlv - Theo SGGP