Dùng mũ bảo hiểm dởm: Thời trang "đùa" với tính mạng

Ngày 20/06/2011
Bây giờ ra đường chỉ cần liếc mắt đã thấy nhan nhản người tham gia giao thông đội "mũ bảo hiểm" trông rất đẹp, hợp thời trang, nhưng hầu hết đó là những chiếc mũ kém chất lượng.
Tuy nhiên các cơ quan quản lý và cảnh sát giao thông dường như ngó lơ để "phong trào" này phát triển, quả là nguy hiểm như "đùa" với tính mạng người dân.
Bây giờ ra đường chỉ cần liếc mắt đã thấy nhan nhản người tham gia giao thông đội "mũ bảo hiểm" trông rất đẹp, hợp thời trang, nhưng hầu hết đó là những chiếc mũ kém chất lượng.
Tuy nhiên các cơ quan quản lý và cảnh sát giao thông dường như ngó lơ để "phong trào" này phát triển, quả là nguy hiểm như "đùa" với tính mạng người dân.
Mũ bảo hiểm dởm "dẹp" mũ bảo hiểm xịn
Từ ngày có quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi xe máy, thằng bạn tôi chưa bao giờ chịu mua một chiếc MBH nào. Đi trong TP mà nó cứ phơi cái đầu trần, gặp công an thì nó tạt vào vỉa hè mua lấy cái mũ 30.000 đồng đội tạm rồi về vứt xó. Ấy thế mà vừa rồi về quê thăm nhà, nó lại chạy sang mượn tôi MBH. Chưa hết ngạc nhiên vì sự đổi thay của thằng bạn, nó nhanh miệng giải thích ngay:
"Nói thật, mấy hôm nay, nghe đọc thông tin trên đài báo nhiều tai nạn kinh quá. Nhiều khi mình "sành" đi thật nhưng thằng khác nó "ngu" thì mình chết theo. Thôi, lần này cứ cẩn thận cho nó chắc, bảo vệ cái đầu cho an toàn, nhỡ có chuyện gì, vợ con lại khổ. Tôi chạy sang mượn ông cái mũ vì nghĩ ông cẩn thận và biết cách chọn mũ nào tốt chứ bây giờ cho tôi đi mua thì tôi chịu. Ra cửa hàng và ngoài vỉa hè bán đầy ra nhưng chẳng biết loại nào tốt. Mua phải loại dởm, có khi còn nguy hiểm hơn".
Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2010 trên cả nước đã xảy ra 13.713 vụ tai nạn giao thông, trong đó 11.060 người tử vong, 10.306 người bị chấn thương. Một trong những nguyên nhân gây thương tích và tử vong là do người điều khiển phương tiện không đội MBH khi tham gia giao thông. Theo kết quả một số nghiên cứu cho thấy, MBH có thể giúp giảm tới 69% nguy cơ chấn thương đầu do tai nạn giao thông và giảm tới 42% nguy cơ tử vong do chấn thương sọ não.
Không ngờ thằng bạn tôi phớt đời bấy lâu nay mà còn phát biểu ''câu xanh rờn'' thế, vậy mà bây giờ hầu hết các bạn thanh niên, phụ nữ vì thời trang hoặc vì tham rẻ mà thản nhiên bất chấp tính mạng của mình để xài hàng dởm.
Ngẫm thấy, mọi chủng loại hàng hóa đều tồn tại theo nguyên lý cung cầu, có nghĩa là xuất hiện hàng hóa lưu hành trên thị trường, sau đó nếu được người tiêu dùng (NTD) ưa chuộng thì hàng hóa bán chạy, khi bán chạy thì doanh nghiệp lại sản xuất nhiều hơn, nhiều chủng loại phong phú hơn, và cứ thế nó trở thành phổ biến. Hoặc đổi chiều nguyên lý...
Trường hợp MBH kém chất lượng thời gian gần đây có mặt và được mua bán nhiều trên thị trường không mấy xa so với nguyên lý nói trên. Có điều sự tồn tại này đáng lẽ ra phải được quản lý nghiêm ngặt hơn vì nó không phải là hàng hóa đơn thuần, mà nó là thứ hàng kém chất lượng, nếu không muốn nói là hàng giả, và hơn thế nữa, nó sẽ gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng cho người sử dụng.
Ghé qua nhiều dãy bán MBH trên vỉa hè đường Bưởi, đường Nguyễn Tuân, phố Khâm Thiêm, phố Chùa Bộc thấy có đến 90% là MBH không có tên nhà sản xuất. Một số mũ có ghi tên Honda, khi được hỏi giá thì chủ hàng nói giá rẻ bằng một nửa mũ hãng này phát giá. Hỏi tại sao thì chủ hàng nói là công nhân… "ăn cắp" được nên rẻ vậy!?
Còn lại thì toàn mũ rất thời trang, có kiểu dáng khá bắt mắt. Thiết kế theo hình mũ lưỡi trai, có sơn nhiều màu sắc và họa tiết đẹp, loại mũ này thường được giới trẻ sử dụng và mua nhiều vì trông nó khá gọn và nhẹ. Thậm chí nhà sản xuất còn khoét một khoảng mũ đằng sau để các cô gái đội MBH mà vẫn có thể buộc tóc đuôi gà.
Một kiểu mũ phổ biến nữa dành cho phụ nữ muốn che toàn bộ phần cổ và phần vai vì nó có rèm vải phủ lên mũ như một chiếc nón rộng vành. Mũ này được quảng cáo vừa có khả năng bảo hiểm, vừa thời trang và vừa chống nắng tốt.
Ngoài ra, còn vô số kiểu dáng mũ khác nhau đáp ứng mọi phong cách và cá tính của người sử dụng. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy rằng, những loại mũ này lại có chất lượng rất kém, chỉ là lớp nhựa mỏng được sơn dối, hoặc được bọc vải, hoặc bằng xốp, bằng sắt... không có một điểm nào chứng minh nó có thể bảo đảm tốt nếu có va chạm xảy ra.
Vào một cửa hàng có đề tấm biển "Chuyên bán MBH chất lượng cao" trên đường Nguyễn Trãi, thấy vẫn có bán MBH dởm. Chủ cửa hàng cho biết: Nếu chỉ bán MBH đảm bảo chất lượng, phần lớn chỉ phục vụ khách hàng lớn tuổi thôi. Mở cửa hàng ra mà chỉ có ít khách hàng thì kinh doanh làm sao được. Chúng tôi vẫn có mũ loại rẻ hơn để phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau. Kinh doanh thì mục tiêu chính là có nhiều khách hàng, lợi nhuận mới cao.
Vẫn là ý thức người sử dụng
Người bán lách luật thì có lẽ họ cũng chẳng có lỗi với người mua bởi “thuận mua vừa bán”. Nhưng phải dùng luật nghiêm thì họ mới khó ''lọt'' được. Còn về phía NTD thì cũng cần xem lại ý thức và trách nhiệm với chính bản thân mình.
Thanh niên và phụ nữ dù biết mũ giả nhưng vẫn rất chuộng vì giá rẻ, hợp thời trang. Giá một chiếc mũ được bày bán trên thúng mủng, treo trên cây dọc vỉa hè hoặc bày trên tấm bạt giá chỉ từ 30.000 đồng - 90.000 đồng. Vậy là, việc sử dụng sai mục đích một cách vô tình hay cố ý thuộc ý thức của một bộ phận NTD chính là lý do cho sự tồn tại một thị trường mũ bảo hiểm kém chất lượng, cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh mũ dởm.
Đâu là mấu chốt của vấn đề, liệu luật có giải quyết được triệt để vấn đề này không? Hỏi một anh cảnh sát giao thông, anh cho hay: Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bắt đầu từ thời điểm 15-12-2007. Nếu cứ theo quy định mà thực hiện thì chúng tôi chỉ có quyền xử phạt những người không đội MBH hoặc đội mũ không cài quai, chứ không có chế tài xử phạt người đội mũ không có tem nhãn, hình dáng giống MBH. Bởi vì thực tế nhiều mũ đúng là MBH cho người đi môtô, xe máy nhưng sau một thời gian sử dụng bị bong, mờ, mất tem nhãn.
Cũng không cần nói nhiều, rõ ràng đây là chính sách đúng đắn bảo vệ sinh mạng con người. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sự chuẩn bị một cách đồng bộ từ đường sá, chất lượng mũ cho đến việc cất, giữ, vệ sinh mũ như thế nào để đảm bảo vệ sinh... đều còn bỏ ngỏ. Chỉ khi nào giải quyết được tất cả những vấn đề trên thì tự khắc người dân sẽ tự giác tuân theo nghị quyết nhằm mục đích bảo vệ tính mạng con người.
Anh này cũng nói thêm, một số đơn vị vì lợi nhuận đã sử dụng nguồn nguyên vật liệu thay thế không đảm bảo chất lượng, như: sử dụng nhựa ABS tái sinh, ABS dẻo không đúng chủng loại, pha trộn một số loại nhựa khác nhau với ABS làm giảm giá thành sản phẩm nên mũ của họ bán rất chạy.
Vẫn chưa thỏa mãn được tâm lý, về nhà tôi lang thang trên mạng để tìm thông tin. Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho biết: Việc các loại mũ này còn tồn tại như hiện nay do thiếu chế tài xử lý, do văn hóa kinh doanh, tiêu dùng. Quản lý các loại mũ này là việc phải làm. Vấn đề cần quan tâm nhất trong dự thảo thông tư mới là phối hợp các bộ ngành xây dựng thông tư liên tịch quy định cấm sản xuất, kinh doanh buôn bán các loại mũ giả, mũ nhái hoặc xây dựng biện pháp quản lý đối với các loại mũ có hình dáng tương tự MBH cho người đi môtô, xe máy.
Thiết nghĩ, luật phải nghiêm và việc thực hiện luật phải đồng bộ, hơn nữa người dân cũng phải có ý thức và trách nhiệm với bản thân và với xã hội khi tham gia giao thông. Khi đó, mỗi người đã tự đem lại sự an toàn cho chính mình.
MBH dùng cho người đi trên mô tô, xe máy phải đảm bảo được các yêu cầu quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 5756:2001 hoặc TCVN 6979:2001, cụ thể:
Vật liệu làm mũ phải chịu được thời tiết, nhiệt độ, không gây độc hại, dị ứng cho da tóc và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Mũ và các vật gắn trên mũ không được có các gờ sắc, nhọn; Không sử dụng các bu lông, ốc, vít bằng kim loại. Vỏ cứng của mũ phải che được các bộ phận cần bảo vệ của đầu và phải đảm bảo tầm nhìn cho người đội. Mũ phải chịu được va đập (không nứt vỡ) và hấp thụ được xung động; Khi thử đâm xuyên, mũi chùy không được chạm tới phần đầu. Quai đeo phải có khóa và đảm bảo đủ bền, độ giãn phải nằm trong giới hạn cho phép; đảm bảo độ ổn định theo tiêu chuẩn. Kính chắn gió (nếu có) không làm sai lệch hình ảnh, đảm bảo độ truyền sáng; khi vỡ không tạo thành các mảnh có góc quá nhọn dễ gây thương tích cho người đội.
Chinhpc(theo baomoi.com)