Tham luận của Ban ATGT tỉnh Tiền Giang tại Hội nghị quốc tế báo cáo Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
Tại nạn giao thông đã và đang là vấn đề được xã hội quan tâm sâu sắc, mang tính toàn cầu mà tất cả các Quốc gia trên thế giới phải đương đầu và nó là thách thức lớn của thế giới, không kể các nước phát triển, nước đang phát triển. Tai nạn giao thông ở Việt Nam cũng trong tình trạng chung của các nước đang phát triển. Cùng với sự bùng nổ về phương tiện cơ giới đường bộ, tốc độ đô thị hóa cao, kết cấu hạ tầng giao thông bất cập, tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng liên tục trong nhiều năm, chỉ từ năm 2003 tai nạn giao thông mới có xu hướng giảm tuy nhiên tính bền vững ổn định chưa cao.
Từ khi thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư TW, Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị quyết 32 và các Nghị định của Chính phủ, tốc độ gia tăng số vụ tai nạn giao thông hàng năm đã dần được kiềm chế tuy nhiên số người chết và số người bị thương vẫn ở mức cao.
An Giang là tỉnh Tây Nam của Tổ quốc, nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có diện tích tự nhiên 3.536,8 km2 với dân số 2.253.865 người, mật độ dân số 637 người/km2.
Toàn tỉnh có 3.760 km đường bộ, bao gồm 14 tuyến tỉnh lộ và 896 tuyến đường đô thị, giao thông nông thôn và có trục đường chính là Quốc lộ 91 dài 91,3 km nối với Quốc lộ 02 của Campuchia thông qua cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên là tuyến đường huyết mạch quan trọng của tỉnh về mặt kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng.
Phương tiện cơ giới đường bộ hiện đang quản lý 715.145 phương tiện - trong đó môtô chiếm 98%; tỉ lệ sở hữu phương tiện trong dân 33 phương tiện/100 dân, như vậy cứ 03 người dân sở hữu 01 phương tiện cơ giới. Số lượng phương tiện cơ giới tăng khoảng 10,8%/năm. Tuy nhiên, sự phát triển của đường bộ bình quân chỉ là khoảng 2,7%/năm.
Tình hình tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông đường bộ nói riêng của tỉnh An Giang ngày càng được giảm dần. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại địa phương luôn được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo. Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã huy động toàn bộ sức mạnh hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc để triển khai và thực hiện tốt các Luật, Nghị định của Chính phủ về đảm bảo an toàn giao thông. Tai nạn giao thông tuy có giảm về số lượng và số người chết nhưng chưa bền vững, đặt biệt là tình hình vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ có xu hướng ngày càng tăng. Mặt khác, hệ thống văn bản pháp quy lĩnh vực này được triển khai tương đối đầy đủ nhưng tính răn đe chưa cao, hiệu quả còn hạn chế; cơ sở hạ tầng phục vụ cho giao thông đường bộ với thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức; trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một số người khi tham gia giao thông vẫn còn thấp hoặc xem nhẹ, công tác quản lý Nhà nước về các vấn đề liên quan chưa thật sự hiệu quả, các vi phạm xảy ra nhưng không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian qua đã được kiềm chế, nhưng tính bền vững ổn định chưa cao, cụ thể: số người chết từ 221 người chết năm 2004 xuống còn 144 người chết năm 2005. Tuy nhiên, số người chết do tai nạn giao thông trong 2 năm 2006 và 2007 tăng trở lại lên 190 người chết năm 2006 và 185 người chết năm 2007. Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/CP, với nhiều biện pháp được triển khai cụ thể tại địa phương tình hình tai nạn giao thông đã được kéo giảm hàng năm, cụ thể: năm 2008 so năm 2007 giảm 37 người chết, năm 2009 so với năm 2008 giảm 10 người chết và năm 2010 so với năm 2009 giảm 07 người chết.
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông mang tính xã hội hóa cao do đó chú trọng các giải pháp nhằm xã hội hóa công tác này và các giải pháp mang tính bền vững mới mang tính đột phá và trên cơ sở tổng kết các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn toàn giao thông hàng năm, rút ra các bài học kinh nghiệm, các giải pháp thực hiện từng thời điểm, từng địa điểm cụ thể.
Ban An toàn giao thông tỉnh An Giang đã đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương xây dựng “Chiến lược bảo đảm trật tự An toàn giao thông đường bộ tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu tổng quát:
1. Kiềm chế và tiến tới giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ trên cả ba tiêu chí một cách bền vững về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đường bộ;
2. Nâng cao hiểu biết, chấp hành luật tiến tới tạo văn hóa an toàn giao thông cho người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh, trước hết là của người điều khiển phương tiện giao thông;
3. Tăng cường công tác quản lý chất lượng phương tiện vận tải;
4. Nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
5. Tăng cường xử lý các yếu tố gây mất an toàn giao thông trong kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác;
6. Nâng cao chất lượng công tác tổ chức giao thông;
7. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và các cơ chế chính sách về tai nạn giao thông.
Với mục tiêu tổng quát đã nêu trên, việc xây dựng chiến lược được thực hiện theo hướng tiếp cận các giải pháp về kỹ thuật như quy hoạch và thiết kế đường bộ, bảo trì đường bộ, cải tạo điểm đen tai nạn giao thông, thẩm định an toàn giao thông, kiểm định phương tiện…; giải pháp về giáo dục như giáo dục an toàn giao thông trong trường học, đào tạo cấp Giấy phép lái xe, các chiến dịch tuyên truyền; giải pháp cưỡng chế với các vấn đề liên quan như hệ thống pháp quy, cưỡng chế lỗi vi phạm, mũ bảo hiểm, cưỡng chế nồng độ cồn, bằng lái, tốc độ…; giải pháp hạn chế mức độ nghiêm trọng của tai nạn giao thông là xây dựng hệ thống sơ cấp cứu ban đầu.
Trọng tâm của chiến lược là nâng cao khả năng chức năng của Ban An toàn giao thông tỉnh đối với việc phát triển an toàn giao thông bền vững tại An Giang. Một trong những chức năng quan trọng khác là tập trung vào ba yếu tố của xã hội cơ giới: con người, phương tiện và môi trường giao thông, các lĩnh vực được xác định cho các biện pháp an toàn giao thông hiệu quả. Đó là: Phát triển môi trường giao thông đường bộ an toàn; Tăng cường lái xe an toàn; Đảm bảo phương tiện an toàn; Kiểm soát và cưỡng chế giao thông hiệu quả; Tăng cường tuyên truyền và giáo dục về an toàn giao thông; Phát triển các biện pháp đối phó sau tai nạn; Tăng cường hệ thống quản lý an toàn giao thông.
Đến nay, việc xây dựng chiến lược này đang trong giai đoạn thảo luận và lấy kiến của các đơn vị liên quan để hoàn thành chiến lược trình Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt.
Việc xây dựng Chiến lược đảm bảo trật tự An toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam là sự cần thiết cho tất cả các địa phương của cả nước về những vấn đề hiện tại và đưa ra chiến lược lâu dài nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa và hạn chế tai nạn giao thông, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản, đồng thời cũng là kim chỉ nam định hướng cho các địa phương áp dụng thực tiễn tại các vùng, miền và đặc thù riêng của mỗi tỉnh.
An Giang xin đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm công bố và triển khai Chiến lược đảm bảo trật tự An toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trên cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng sớm áp dụng và hoàn thiện chiến lược của mình góp phần bảo đảm hệ thống giao thông vận tải hoạt động một cách đồng bộ, thông suốt phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, các yếu tố xã hội, phục vụ hội nhập kinh tế trong nước và quốc tế./.
Ban ATGT Tiền Giang