Tăng sự thông suốt trong giao thông

Ngày 08/05/2008
Việc lưu thông của các phương tiện sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi có đèn hiệu giao thông điều khiển trên các giao lộ 4 nhánh (tức nơi có hai đường ngang cấp cắt nhau) hoặc 3 nhánh ngang cấp chữ T.

Việc lưu thông của các phương tiện sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi có đèn hiệu giao thông điều khiển trên các giao lộ 4 nhánh (tức nơi có hai đường ngang cấp cắt nhau) hoặc 3 nhánh ngang cấp chữ T.

Tuy nhiên, ở các giao lộ 3 nhánh chữ Y và giao lộ 5 nhánh trở lên việc điều khiển lưu thông bằng đèn hiệu rất phức tạp nên ở nhiều nước hiện nay, thay vào đó người ta thường dùng vòng tròn giao thông (còn được gọi là vòng xuyến hay bùng binh).

Tại đây xe cộ chuyển hướng sang các nhánh khác được tiến hành theo chiều thuận kim đồng hồ. Hiện nay các vòng tròn giao thông được đặt ở một số giao lộ 5 nhánh trở lên (như trước quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội) nhưng không triệt để. Có giao lộ 5 nhánh nhưng không có vòng xuyến và đèn hiệu giao thông được điều khiển như giao lộ 4 nhánh (ví dụ như tại ngã năm Lò Đúc - Hàn Thuyên - Phan Chu Trinh - Hàm Long - Lê Văn Hưu ở Hà Nội) khiến việc đi lại ở đó không hợp lý.

Vị trí này tốt nhất nên để một vòng xuyến, cho dù điều này làm cho việc chuyển hướng có thể dài hơn nhưng an toàn hơn cả (trước những năm 80 đã từng có vòng xuyến ở đây nhưng quá nhỏ nên không có tác dụng nhiều).

Hơn nữa, vòng xuyến trên các giao lộ hiện nay nếu có thường là nhỏ, dễ xuất hiện tình trạng các xe chạy tắt. Để khắc phục điều trên rất cần tăng đường kính các vòng xuyến đến mức đủ lớn miễn là không chiếm nhiều diện tích ảnh hưởng đến dòng xe lưu thông. Vòng xuyến nên được sử dụng rộng rãi vì không những đảm bảo ATGT tại các giao lộ phức tạp (trên 4 nhánh hoặc giao lộ lớn 4 nhánh) mà còn đảm bảo tính thông suốt trong giao thông.

Một điểm khác nữa, khi các phương tiện chạy qua các giao lộ theo sự điều khiển của đèn hiệu giao thông tuy an toàn nhưng cũng có điểm phiền toái là thường phải dừng lại nhiều lần. Trên đường phố lớn một dòng đông đúc xe lưu thông theo kiểu ngắt quãng như vậy không những bất tiện cho người tham gia giao thông mà còn làm ô nhiễm cục bộ môi trường ở các giao lộ này vì khói xả và tiếng ồn.

Tuy nhiên hiện tượng trên có thể giải quyết được nếu ta sử dụng hệ thống “Làn sóng xanh”. Làn sóng xanh (khởi đầu từ hệ thống giao thông nước Đức từ những năm 1960) là một hệ thống tín hiệu thi hành khi một loạt đèn tín hiệu giao thông trên các giao lộ (ít nhất từ ba trở lên) của một đường phố hoạt động phối hợp nhau đảm bảo cho dòng xe cộ được chạy thông suốt trên đường này.

Chẳng hạn trên các giao lộ của một trục đường các đèn hiệu màu xanh (đỏ) liên tục chạy đuổi nhau với tốc độ trung bình 25-35 km/giờ (là tốc độ cho phép xe chạy trong thành phố) sẽ đảm bảo dòng xe cộ chạy với tốc độ trên được thông suốt mà không phải dừng lại. Việc này ngoài lợi ích đã nêu trên còn khuyến khích xe cộ chạy theo tốc độ hợp lý đã quy định trong thành phố.

Thực ra làn sóng xanh không được các quốc gia phát triển dùng nhiều trên các đường phố rộng, nơi có nhiều làn xe cho phép sử dụng các tốc độ khác nhau mà chỉ dùng ở các đường phố nhỏ hơn.

Tuy nhiên ở các đô thị nước ta hiện nay đường phố chính thường nhỏ, chỉ gồm hai, ba làn đường, tốc độ xe chạy không chênh lệch lớn, rất nên sử dụng hệ thống này, nhất là tại các đường chính một chiều, trên từng đoạn, tiến tới trên cả đoạn dài. Tốc độ di chuyển trung bình của tín hiệu nên ở phạm vi 20-25 km/h giờ cao điểm khi mật độ giao thông đông đúc, 25-30 km/h trong các giờ còn lại khi mật độ xe ít hơn.

Doãn Ngọc (Hà Nội)