Vỉa hè phải là của người đi bộ

Ngày 18/01/2008
Trong nhiều văn bản của Trung ương và thành phố Hà Nội đều khẳng định: “Hè phố, lòng đường là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu Nhà nước. Hè phố được sử dụng chủ yếu cho người đi bộ”. Do đó, vỉa hè không thể trở thành nơi họp chợ, bán hàng, trông xe, càng không phải là nơi để... “xóa đói giảm nghèo”.

Trong nhiều văn bản của Trung ương và thành phố Hà Nội đều khẳng định: “Hè phố, lòng đường là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu Nhà nước. Hè phố được sử dụng chủ yếu cho người đi bộ”. Do đó, vỉa hè không thể trở thành nơi họp chợ, bán hàng, trông xe, càng không phải là nơi để... “xóa đói giảm nghèo”.

Chính do sự quản lý không hợp lý đã dẫn đến tình trạng hiện nay vỉa hè đã bị lấn chiếm vô tội vạ và hầu như không còn vỉa hè dành cho người đi bộ nữa. Không ít người đi bộ khi đi trên vỉa hè hiện nay còn bị những hàng quán và những người lấn chiếm quát tháo, chửi bới.

Tình trạng “mất vỉa hè” hiện nay trách nhiệm không ai khác chính là do các cơ quan quản lý Nhà nước. Thời gian gần đây, có thông tin Hà Nội đang “loay hoay” để tìm lối thoát giải quyết bài toán vỉa hè. Và trong bản dự thảo chỉnh sửa Quyết định 227 gần như đã cấm toàn bộ hàng rong buôn bán trên vỉa hè và không hề đề cập đến việc giải quyết hàng ăn, hàng rong, kinh doanh trên vỉa hè. Việc trả lại vỉa hè dành cho người đi bộ là hoàn toàn đúng đắn bởi hiện nay hệ thống giao thông Hà Nội đang bị quá tải nghiêm trọng, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài liên tục xảy ra.

Tuy nhiên, do đã để tình trạng lấn chiếm vỉa hè quá lâu nên việc cấm này cũng cần có thời gian và có lộ trình cụ thể. Mới đây, một chuyên gia trong ngành Giao thông đã cho rằng trước tiên, việc cấm mọi người sử dụng vỉa hè, lòng đường chỉ nên áp dụng vào ban ngày là rất hợp lý và sẽ mang lại nhiều hiệu quả như: Trả lại sự thông thoáng cho các con phố, tạo điều kiện cho việc tổ chức điều hành giao thông, nâng cao năng lực giao thông, chống ùn tắc và giảm TNGT; Hạn chế một số lượng lớn phương tiện từ ngoài vào thành phố và phương tiện đi lại giữa các phố với nhau do không có chỗ để xe tùy tiện, các gia đình có khách bắt buộc phải bố trí không gian trong nhà để xe cho khách; Là đòn bẩy thúc đẩy các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các cửa hàng,… tự di chuyển ra các phố ngoài trung tâm thành phố để đảm bảo việc giao dịch thuận lợi hơn; Tạo ra rào cản vô hình ngăn chặn việc hình thành các cơ sở kinh doanh, dịch vụ mới tại trung tâm thành phố; Hạn chế số lượng lớn ô tô, xe máy vào thành phố vì không có chỗ để xe. Việc này không ảnh hưởng gì đến nhân quyền, vì vỉa hè trước nhà dân là Nhà nước “cho mượn” khi chưa dùng đến, nay Nhà nước cần thì lấy lại.

Nguyễn Mai Xuân (Hà Nội)