Bảo đảm an toàn vận tải khách bằng đường bộ Tết Mậu Tý

Ngày 18/01/2008
Ðể bảo đảm an toàn giao thông và chuẩn bị tốt phương tiện giải tỏa khách, thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết thuận lợi, và an toàn, nhất là vận tải khách bằng đường bộ, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã có Chỉ thị số 19/CT-BGTVT về việc tăng cường phục vụ vận chuyển khách bằng ô-tô tuyến bắc - nam trong dịp Tết Mậu Tý 2008.
Ðể bảo đảm an toàn giao thông và chuẩn bị tốt phương tiện giải tỏa khách, thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết thuận lợi, và an toàn, nhất là vận tải khách bằng đường bộ, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã có Chỉ thị số 19/CT-BGTVT về việc tăng cường phục vụ vận chuyển khách bằng ô-tô tuyến bắc - nam trong dịp Tết Mậu Tý 2008.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ GTVT, Cục Ðường bộ Việt Nam và các sở giao thông vận tải, giao thông công chính các địa phương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải khách đầu tư mới phương tiện, đưa vào khai thác trên các tuyến đường  dài;  chủ  động  đến các khu  công nghiệp, dân cư, các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp tổ chức bán vé trước và đưa phương tiện đến đón khách theo thời gian do hai bên thống nhất.

Mặt khác phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tăng cường việc kiểm tra xử lý vi phạm, lập kế hoạch giải tỏa khách từ các xe vi phạm, nhất là vận tải khách trên tuyến bắc - nam, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xe chở quá tải ngay từ bến xe, cũng như trong quá trình vận chuyển, bán khách và ép giá đối với khách...

Phó Cục trưởng Cục Ðường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, cho biết: Từ ngày 18-1 (tức 11 tháng Chạp âm lịch), Cục Ðường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt bắt đầu triển khai kế hoạch phối hợp  bảo đảm an toàn giao thông trong phục vụ vận tải khách Tết Mậu Tý, trong đó quy định rõ quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết hậu quả sau xử lý, và  trách nhiệm của các lực lượng tổ chức kiểm tra, kiểm soát theo Nghị định số 146/NÐ-CP ngày 14-9-2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Việc kiểm tra, kiểm soát tại bến xe được giao cho các bến và lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và thanh tra giao thông đảm nhận. Lực lượng kiểm tra trên đường là cảnh sát giao thông các địa phương. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt phối hợp với Cục Ðăng kiểm Việt Nam và Cục Ðường bộ Việt Nam tổ chức tuần tra và kiểm tra công tác tổ chức vận tải theo quy chế phối hợp giữa các Cục, đồng thời chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương trong cả nước bố trí lực lượng kiểm tra tại các vị trí hợp lý, gần bến xe để thuận lợi cho việc chuyển tải khách khi có xe vi phạm. Riêng trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh sẽ có ba chốt kiểm tra 24/24 giờ tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam và Ðồng Nai.

Lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát trên đường, hoặc khi nhận đươc tin báo từ hành khách đi xe, phát hiện của nhân dân về xe vi phạm chở quá tải, nhà xe thu tiền của khách không đúng với giá cước đã kê khai, chở hàng cấm, hàng dễ cháy nổ... dừng phương tiện để  kiểm tra, lập biên bản xử lý. Với những trường hợp phải tạm giữ phương tiện, chuyển tải toàn bộ số lượng khách trên xe thì yêu cầu chủ phương tiện đưa số khách trên xe về bến xe gần nhất.

Ðối với xe chở quá số lượng khách theo quy định, ngoài việc bị xử phạt hành chính, chủ phương tiện phải có biện pháp giải quyết việc chuyển tải khách. Người lái xe vi phạm có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp về việc vi phạm của mình và hình thức bị xử lý, đề nghị doanh nghiệp đưa phương tiện đến chuyển tải khách.

Trong trường hợp chủ phương tiện không có khả năng giải quyết việc chuyển tải do doanh nghiệp ở xa hoặc trong quá trình xử lý lái xe, giấy phép của người điều khiển phương tiện bị tạm giữ có thời hạn, không có lái xe thay thế, hoặc vi phạm các lỗi phải đình chỉ lưu hành phương tiện theo quy định tại điều 49 Nghị định 146/NÐ-CP, doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan công an nơi kiểm tra để thông báo với Ban chỉ đạo Tết tại địa phương để huy động phương tiện khác đến giải tỏa.

Chủ phương tiện vi phạm ngoài việc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, chi phí khi chuyển tải khách, tùy theo lỗi nặng, nhẹ còn bị phạt tiền với mức cao nhất đến ba triệu đồng, ngoài ra còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 30 đến 50 ngày, hoặc không thời hạn nếu chở vượt trên 100% số người được phép chở của phương tiện. Ngoài ra, có thể còn bị sở giao thông nơi quản lý phương tiện xử lý bằng hình thức đình chỉ lưu hành trên tuyến có thời hạn hoặc vĩnh viễn.